Trước những bức xúc lớn ở các dự án giao thông BOT, VietNamNet đã tổ chức chương trình bàn tròn trực tuyến với chủ đề “BOT: Làm sao để minh bạch và đồng thuận?” Bàn tròn có 2 khách mời tham gia:
– Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư
– PGS TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học Giao thông vận tải
Chương trình đã phát trực tiếp ngày 23/8/2017. Quý vị có thể xem lại toàn bộ chương trình tại đây.
Theo dõi lược trích phần II tại video sau:
Đổ lỗi cho nhà đầu tư là không công bằng
Thưa ông Trần Kỳ Sơn, một bạn đọc gửi từ email [email protected] có nói rằngg, rõ ràng có câu chuyện đặt sai vị trí trạm BOT để trục lợi và phí BOT bị thu sai. Vậy khi thu sai tiền của dân như vậy trong một thời gian dài, chúng ta phải xử lí như thế nào? Xin ông chia sẻ ý kiến của mình?
Ông Trần Kỳ Sơn: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi cũng phải nói khách quan rằng, các dự án BOT vừa qua là do Nhà nước chủ trì lập dự án. Ví dụ như các dự án trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 là do Bộ GTVT lập dự án. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, các yếu tổ để cấu thành dự án đều có đầy đủ như trạm thu phí, kể cả thời gian thu phí, dự kiến mức thu phí. Những vấn đề này hoàn toàn không phải là nhà đầu tư.
Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư mới phải thực hiện theo đúng báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Nếu anh điều chỉnh cái gì thì phải báo cáo và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thế cho nên vừa rồi, dư luận đẩy toàn bộ quả bóng đó, tất cả những cái gì xấu xa nhất ở BOT sang vai nhà đầu tư, theo tôi điều đó là không khách quan. Chúng ta phải nhìn nhận cả hai phía.
Về vấn đề vị trí đặt trạm BOT sai, tôi cũng nghĩ rằng, có những dự án các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét chưa được chu đáo, chưa thấu tình đạt lý và cũng chưa hình dung được hết những phản ứng người dân sau này. Bởi trước đây, chúng ta làm BOT ít lắm, lẻ tẻ một hai dự án thô, bây giờ làm ồ ạt như thế và không ai hoặc chưa ai suy nghĩ đến việc trong quá trình lưu thông trên đường BOT, người dân bị tác động, bị ảnh hưởng như thế nào và phản ứng ra làm sao.
Nhà báo Phạm Huyền và ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ KHĐT (ảnh: Lê Anh Dũng)
Có lẽ, các cơ quan quản lý Nhà nước khi đó nghĩ rất đơn giản, thấy rằng khi làm một đường tránh, đồng thời, làm tăng cường thêm một ít đối với đường cũ rồi đặt trạm như vậy mới có điều kiện để thu phí. Nếu đặt trạm BOT ở đường tránh thì làm sao mà hoàn vốn được?
Giống như thầy Toản nói, phí BOT người dân đóng góp chỉ chiếm được một phần rất nhỏ thôi, làm sao mà đủ hoàn vốn? Nhà nước bù vào đấy thì cũng không có mà bù. Chi bằng chúng ta chẹn một cái trạm ở đó thì thu được hết. Tôi cho rằng, xảy ra việc đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, đừng đổ hết cho nhà đầu tư. Tôi nói thật sự một cách khách quan là như vậy.
Cũng có những dự án mà việc đặt trạm BOT theo cách trên là do nhà đầu tư đề xuất nhưng tỷ lệ đó rất ít. Nhưng nói chung, trong quá trình triển khai BOT, những bất cập đó là trách nhiệm đầu tiên của cơ quan quản lí nhà nước.
Việc này cần phải xem xét, cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Như bạn đọc phản ánh cũng rất đúng, giờ thu phí BOT như vậy nhưng sau này xem xét đánh giá lại, mức phí BOT thực tế phải giảm đi thì số tiền người dân đã nộp thời gian qua hoàn trả như thế nào? Đấy là câu hỏi có lẽ khó trả lời.
Tôi nghĩ, có lẽ trước mắt, Nhà nước và người dân cũng hài hòa lợi ích. Cơ quan quản lí nhà nước phải có trách nhiệm là giám sát tuyệt đối, kiểm tra lại, đánh giá lại cái dự án đó, quyết toán và đưa ra cơ sở tính toán mức thu làm sao cho minh bạch nhất trong một hai năm tới thì người dân mới yên tâm đi trên những con đường BOT được đầu tư mới, xứng đáng với mức phí, số tiền mà mình đã đóng góp vào đấy.
Nhà nước cần công khai rõ thu- chi BOT
Như vậy, có những trạm thu phí BOT đặt ở những vị trí với mục đích bảo toàn phương án tài chính cho đầu tư nhiều hơn đảm bảo quyền lợi của người dân. Thưa TS Nguyễn Quang Toản, ông suy nghĩ như thế nào về tình trạng các trạm thu phí dày đặc hiện nay? Nhiều trạm đã được người dân phản ánh đặt sai nhưng cơ quan chủ quản vẫn kiên quyết là không di chuyển trạm, ví dụ như vụ việc Cai Lậy vừa rồi?
PGS.TS Nguyễn Quang Toản: Tôi nghĩ cái sai hay đúng trong câu chuyện vị trí trạm thu phí BOT hoàn toàn là do vấn đề quan điểm. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề như mọi người thường nói , tức là làm ở đâu, thu phí ở đấy thì việc đặt ra ngoài phạm vi đường BOT là sai.
Nhưng với lý do mà đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa nói, nó lại không sai. Nếu quan điểm của cơ quan quản lý đưa ra rằng, trong dự án này, cần phải xác định cách đặt trạm, thu phí như thế này mới đủ hoàn vốn, mới bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư theo hợp đồng, nhìn ở góc độ đó thì cách đặt tram như vậy là lại đúng.
Cho nên, theo tôi, không thể giải quyết các vấn đề hiện nay của các dự án đường BOT một cách cục bộ cho từng dự án được. Cần phải có một chính sách chung, xuất phát từ quan điểm huy động sự đóng góp của dân để phát triển cơ sở hạ tầng dưới sự chỉ huy của Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT (ảnh: Lê Anh Dũng)
Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải công khai rõ với người dân chủ trương là chỗ nào là BOT, thu ở đâu và chi cho đâu thật rõ ràng. Như tôi đã nói, tất cả các con đường chất lượng giống nhau cần thu phí BOT giống nhau. Bởi đầu tư bằng vốn gì đi chăng nữa thì rồi vẫn sẽ phải trả bằng tiền thuế của dân thôi, chứ cũng không có cách gì.
Chúng ta vay ODA cũng chính là nguồn hình thành từ tiền thuế của dân. Bây giờ, chúng ta đầu tư BOT như thế (huy động nguồn lực nhà đầu tư tư nhân- PV) nhưng thực chất cũng chỉ là vay trả dần bằng tiền thuế của dân. Khác một chút là chúng ta thu trực tiếp người sử dụng cái công trình ấy.
Tuy nhiên, cũng chính vì thu trực tiếp để hoàn vốn dự án BOT, người dân phản ứng với những điểm bất công bằng như tại sao trên cùng một con đường, chỗ nộp phí BOT cao, chỗ không.
Điểm thứ hai nữa, chúng ta càng muốn phát triển hạ tầng, mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại gặp khó khăn về nguồn tài chính, cũng chính là việc thu chi đảm bảo hoàn vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Cho nên, nếu nói về việc chịu trách nhiệm chính với các bất cập ở dự án BOT, tôi đồng ý quan điểm là các cơ quan Nhà nước là người chịu trách nhiệm chính, kể cả giá thu phí cao hay thấp và kể cả việc quản lí tổng mức đầu tư cũng phải do các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính. Còn những sai phạm cục bộ của các nhà đầu tư, chắc chắn, phải xử lí rất nghiêm, để thông tin phải minh bạch, dư luận xã hội không nghi kị, chứ không phải đổ lỗi hết cho nhà đầu tư.
Rất nhiều kết quả kiểm toán, thanh tra đã nêu rất rõ những trường hợp trạm thu phí BOT đựơc đặt một cách bất hợp lí, khoảng cách giữa các trạm BOT rất gần nhau. Có những trạm mà chính thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ chỉ cách nhau có 15 km thay vì mức tối thiểu 70 km. Vậy theo ông, cần phải xử lý việc đặt sai vị trí các trạm thu phí BOT như thế nào?
Nhà báo Phạm Huyền, ông Trần Kỳ Sơn và PGS.TS Nguyễn Quang Toản (ảnh: VietNamNet)
PGS. TS Nguyễn Quang Toản: Đúng là như thế! Đúng là chúng ta có quá nhiều dự án đầu tư BOT xuất phát từ quan điểm làm đâu thu đấy nên chỗ nào càng xuất hiện nhiều dự án BOT thì lại càng nhiều trạm thu phi, đó là chuyện đương nhiên.
Nếu muốn giảm trạm thu phí đi thì chúng ta phải nghĩ cách khác, phải có một sự chỉ huy thống nhất. Tức là, đầu tư theo hình thức BOT vào chỗ nào hợp lí thì phải do Nhà nước nước quyết định. Việc thu như thế nào cũng phải do Nhà nước quyết định. Với mức thu như thế và với mức chi như thế, nếu các nhà đầu tư có thể tham gia được thì tham gia, nếu không được thì họ cần phải rút, theo tôi là như thế.
Chứ còn nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm làm đâu thu đấy, thì đương nhiên là chúng ta không bỏ được trạm.
Thưa ông Trần Kỳ Sơn, ông có suy nghĩ như thế nào về các vấn đề mà TS Toản vừa nêu? Xin ông nói rõ hơn về trách nhiệm cụ thể của những cơ quan quản lí, cụ thể như là Bộ Tài chính trong vấn đề kiểm soát phương án thu phí hay Bộ Giao thông Vận tải và trách nhiệm của các địa phương trong các vấn đề liên quan đến BOT hiện nay như thế nào?
Ông Trần Kỳ Sơn: Theo tôi, những việc xảy ra vừa rồi trong các dự án BOT là kết quả của sự nóng vội trước áp lực về nhu cầu giao thông bức thiết ở hệ thống các tuyến đường Quốc lộ xương sống của đất nước.
Trước năm 2013, chúng ta có thể thấy rằng lưu thông trên các tuyến đường này vất vả như thế nào, đặc biệt là Quốc lộ 14 và đoạn qua Tây Nguyên. Nhưng đến giờ phút này, thời gian đi về các tỉnh rất ngắn.
Chính phủ vừa qua phải lựa chọn một giải pháp vừa bằng nguồn vốn trái phiếu vừa bằng nguồn vốn BOT. Nguồn trái phiếu cũng chiếm một phần lớn ở dự án trên trục này, theo tôi tính toán không nhầm khoảng độ 60% là sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, số còn lại mới sử dụng BOT. Nhà nước cũng đã đầu tư rất nhiều.
Tuy nhiên, phát sinh những bức xúc vừa qua là do các cơ quan quản lý đã xem xét chưa thấu đáo, nhất là các vị trí, mật độ trạm thu phí BOT. Dù vậy, làm dự án BOT cũng có cái khó của nó, vừa phải đủ hấp dẫn, đủ lưu lượng giao thông để cho nhà đầu tư vào, có điều kiện khai thác kinh doanh trở lại.
Còn nếu như theo ý tưởng thầy Toản vừa nêu, có thể chúng ta làm ở đây, thu phí ở chỗ khác thì việc đấy chúng ta đã làm rồi. Nhưng nếu bây giờ chúng ta làm như thế thì bức xúc trong dân lại lớn hơn rất nhiều. Vậy giải pháp dung hòa là gì?
Tôi nghĩ trong giai đoạn này, định hướng chung của Chính phủ, định hướng của Bộ GTVT cũng đã rất rõ ràng: những dự án đầu tư theo hình thức BOT từ nay trở đi sẽ là dự án đầu tư mới, còn dự án nâng cấp cải tạo sẽ sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn bảo trì. Làm sao cho người dân có quyền lựa chọn trong việc lưu thông của mình. Tôi nghĩ đó là một hướng đi đúng.
Thời gian vừa qua chúng ta cũng phải đánh giá một kết quả rất rõ ràng về lợi ích của các dự án giao thông BOT. Không nên chỉ hai ngày khi chúng ta đi trên một con đường tốt là chúng ta quên cả một thời gian trước chúng ta đi khổ sở như thế nào. Nếu trên đường có một cái ổ gà thì chúng ta rất nhức nhối, kêu rất nhiều, nhưng trước kia có rất nhiều ổ trâu, không đi được thì chúng ta lại quên đi rất nhanh. Tôi nghĩ thời gian vừa qua Chính phủ làm chưa tốt việc định hướng cũng như nêu rõ các kết quả đánh giá này.
Kiên quyết đấu thấu cạnh tranh
Thưa ông Sơn, còn việc liên quan đến câu chuyện về mặt cơ chế thì sao? Thời gian vừa qua chúng ta cũng được biết là gần như 100% dự án BOT chỉ định thầu. Vậy trong thời gian tới các phương án về chỉ định thầu hay phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh ở các dự án BOT, Bộ Kế hoạch Đầu tư có quan điểm thế nào?
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ KHĐT (ảnh: VietNamNet
Ông Trần Kỳ Sơn: Bộ Kế hoạch và đầu tư luôn luôn ủng hộ việc đấu thầu. Nhưng đâu đó người ta vẫn nêu ra việc đấu thầu làm chậm, đấu thầu phức tạp, đấu thầu khó khăn,.. để tìm mọi cách được chỉ định thầu. Và việc chỉ định thầu tạo ra một hệ lụy rất lớn, không minh bạch, cạnh tranh không bình đẳng. Hiệu quả của việc chỉ định thầu chắc rất là thấp.
Vừa rồi ở hai trục quốc lộ trên được thực hiện theo chỉ định thầu. Nhưng tôi nghĩ rằng từ nay trở đi với những hình thức đầu tư mới như thế này, chúng tôi cũng kiên quyết đề nghị phải tổ chức đấu thầu.
Đặc biệt, vừa rồi công tác chuẩn bị cho hệ thống đường cao tốc Bắc- Nam mới cũng có một vài mong muốn sẽ lại thực hiện công tác chỉ định thầu cho nhanh. Nhưng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng kiên quyết phản đối việc này. Chúng tôi nghĩ rằng đấu thầu là hình thức minh bạch nhất, có thể chọn nhà thầu xứng đáng nhất. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố con người trong quá trình tổ chức đấu thầu.
Một bạn đọc tên là Bích Thảo gửi câu hỏi đến cho ông Sơn như sau: Thưa ông, với những khuyết điểm lớn hiện nay mà hàng loạt dự án BOT đã được các cơ quan chỉ ra, đứng ở vai trò là đại diện cơ quan Nhà nước theo ông cần phải làm gì để có thể khắc phục được hậu quả, giảm thiệt hại cho người dân? Các dự án BOT hiện nay ở trong tình trạng là sự đã rồi. Ông có khuyến nghị như thế nào để có thể cứu vãn các sai lầm của BOT ở các dự án này trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Kỳ Sơn: Thực ra dùng từ “cứu vãn” hay “khắc phục”,.. theo tôi trong trường hợp này vẫn chưa công bằng lắm. Số sai phạm của một số dự án chỉ ra gần đây như tôi đã nêu, không phải dự án BOT mới có mà dự án công cũng có. Cái nào sai đến đâu chúng ta xử lý đến đó, nếu là do nhà đầu tư thì chúng ta xử lý nhà đầu tư, với cái nào phụ thuộc cơ quan Nhà nước thì chúng ta phải có giải pháp để làm.
Cái bức xúc nhất của người dân ở đây là sự không minh bạch, sự không công khai để người dân biết được dự án đó là Nhà nước đã cố gắng đến đâu, phải huy động đến mức nào rồi và cần thiếu những gì, cần sự đóng góp của người dân qua phí ra sao, để chúng ta có những tuyến đường tốt hơn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta phải công khai được những vấn đề ấy thì mới dễ tạo ra sự đồng thuận.
Còn ở đây, giải pháp đầu tiên tôi nghĩ rằng chúng ta phải khẩn trương quyết toán các dự án. Các cơ quan có trách nhiệm cần vào làm để xác định giá thành, chi phí thực sự của các dự án là như thế nào. Thứ hai là xem xét lưu lượng xe thực tế qua các trạm, qua đó chúng ta điều chỉnh để giảm hoặc tăng sao cho hài hòa, khách quan. Và những con số ấy, tôi nghĩ rằng phải công bố cho người dân biết.
Còn một số vụ việc phản ánh vị trí trạm thu phí BOT không hợp lý gây bức xúc, tôi thấy cách giải quyết vừa rồi cả cơ quan Nhà nước cũng đã đạt được hiệu quả nhất định. Ví dụ như trạm thu phí BOT ở cầu Việt Trì, Phú Thọ, ở Lương Sơn, Hòa Bình quốc lộ 6, hoặc mới đây là trạm Bến Thủy, người dân ở trong vùng và vùng lân cận đi lại hàng ngày được giảm phí, miễn phí. Trạm Cai Lậy vừa rồi cũng đã giảm phí.
Điều mấu chốt nhất là, nếu chúng ta thông tin cho người dân sao cho minh bạch thì người dân sẽ ủng hộ, còn tương lai sau này, còn phải có những kế hoạch, hoạch định rất rõ ràng về phát triển các dự án BOT. Những dự án nào chúng ta bắt buộc phải đầu tư công, dự án nào có điều kiện khai thác kinh doanh, có điều kiện hơn thì chúng ta ưu tiên khai thác tư, phải công khai rõ ràng trong thời gian sắp tới.
Bạn đọc Hoàng Ngọc Vinh muốn hỏi ông Sơn: Thưa ông, các dự án BOT có nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông hiện nay hay không? Và nếu không thì trách nhiệm là thuộc ai?
Ông Trần Kỳ Sơn: Hiện, chúng ta không có một quy hoạch vào về các dự án giao thông BOT. Chúng ta chỉ có quy hoạch về hệ thống mạng lưới giao thông của cấp quốc gia và cấp địa phương, còn việc chọn hình thức đầu tư như thế nào thì tuỳ thuộc từng địa phương…
Bộ Kế hoạch và đầu tư hiện nay đang sửa hai Nghị định quan trọng nhất liên quan vấn đề này là Nghị định 15 (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) và Nghị định 30 ( lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư), dự kiến sẽ trình Chính phủ trong cuối tháng 8 này.
Trong thời gian tới, dự kiến, hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư này sẽ được Chính phủ quyết định xem xét nâng lên thành Luật. Tôi nghĩ rằng, với những cơ sở pháp lý như thế thì hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT sẽ được hoàn thiện hơn, sẽ tránh được những bức xúc như vừa rồi. Tất nhiên là không thể tránh hết nhưng tôi tin sẽ hạn chế.
Tôi vẫn nói đi nói lại việc công khai minh bạch các dự án BOT là nhu cầu cấp thiết của người dân, người dân mong muốn việc đó. Và khi đã minh bạch rồi thì người dân sẽ sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn về điều kiện hạ tầng của đất nước.