Ngày 25-6, tại TP HCM, Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM (FFA) phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức hội thảo “Trao đổi một số thông tin đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất vào trong chế biến thực phẩm”. Tại đây, doanh nghiệp (DN) thực phẩm đã nêu ra hàng loạt bất cập trong việc phải thực hiện những quy định vô lý.
Tốn kém vô ích
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, những bất cập về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm quy định trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất trong dinh dưỡng đã được các DN, hiệp hội ngành nghề phản ánh đến Chính phủ từ tháng 3-2017 và liên tiếp nhiều cuộc đối thoại sau đó nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
“Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 đã đưa nội dung này trong yêu cầu dành cho Bộ Y tế. Chính phủ yêu cầu hướng sửa đổi Nghị định 09/2016 là bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”, bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, thay vào đó, chỉ nên khuyến khích DN thực phẩm sử dụng. Nghị quyết đã có, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sớm thực thi để DN không phải tiếp tục thực hiện những quy định vô lý. Khi quy định bổ sung i-ốt có hiệu lực, DN thủy sản khi xuất khẩu phải kèm văn bản cam kết lô hàng không sử dụng muối i-ốt do thị trường nhập khẩu không chấp nhận; hàng trong nước phải làm lại nhãn, thực hiện thủ tục công bố mới… Do đó, các hiệp hội cần thúc đẩy các bộ – ngành sớm thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 19 của Chính phủ, tránh trường hợp bộ – ngành cuối năm mới làm, làm không xong lại nợ năm sau gây thiệt hại cho DN” – ông Nam nêu thực tế.
Quy định bắt buộc bổ sung i-ốt trong thực phẩm bị nhiều doanh nghiệp phản đối Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc chất lượng Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết thời gian qua đã thực hiện quy định về việc sử dụng i-ốt trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, qua xét nghiệm một số sản phẩm đã qua xử lý nhiệt độ cao như chả giò thịt, heo hầm thì không có tồn dư i-ốt trong thành phẩm. Điều này không đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc bổ sung i-ốt cho người dân, gây lãng phí cho DN.
Theo bà Bùi Phương Mai, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon), công ty đã bổ sung i-ốt vào bột canh nhưng khi lấy mẫu sản phẩm ở ngoài thị trường sau 2 tháng sản xuất cũng không phát hiện i-ốt do vi chất này rất dễ bay hơi bởi nhiệt độ và ánh sáng.
Ông Asahira, Phó Giám đốc khối marketing Công ty CP Acecook Việt Nam, nêu hàng loạt khó khăn công ty vướng phải khi thực hiện quy định về bổ sung vi chất. Trước đây, công ty sản xuất trên dây chuyền tự động cho cả hàng xuất khẩu và nội địa nhưng nay phải sản xuất riêng do các nước nhập khẩu không chấp nhận có i-ốt. “Một số đơn hàng xuất khẩu nhỏ công ty phải bỏ thị trường, đơn hàng lớn công ty phải làm nhiều khâu thủ công, mất thời gian vệ sinh dây chuyền để tránh nhiễm chéo, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của DN” – ông Asahira bức xúc.
Doanh nghiệp vẫn có thể bị phạt
Về phía cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, thừa nhận cũng đang ở thế bí trong việc hướng dẫn DN thực hiện vì những quy định vô lý trên vẫn đang có hiệu lực. “Tạm thời Bộ Y tế đã có hướng dẫn không kiểm tra DN chế biến thực phẩm đối với chỉ tiêu i-ốt nhưng như vậy là chưa đủ. Bởi quy định bắt buộc bổ sung i-ốt trong thực phẩm vẫn còn, DN vẫn phải thực hiện. Ngoài lực lượng thanh – kiểm tra trực thuộc ngành y tế còn có ngành công thương, nông nghiệp nên DN vẫn có thể bị phạt. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Y tế chưa thực thi có phải là trên bảo dưới không nghe?” – bà Lan đặt vấn đề.
Chuyên gia thực phẩm độc lập Vũ Thế Thành cho rằng nhà nước cần quan tâm đến việc truyền thông cho người dân sử dụng muối i-ốt đúng cách để bảo đảm hiệu quả, khuyến cáo người dân sử dụng những thực phẩm tự nhiên giàu i-ốt thay cho việc ép DN chế biến sử dụng i-ốt vì thiếu hay thừa vi chất này đều không tốt.