Xác định giá đất “thị trường” chiếm trên 50% vướng mắc tại các dự án
Đây là một trong những khó khăn được Bộ Xây dựng chỉ ra tại nhiều dự án nhà ở hiện nay tại báo cáo trước thềm Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững dự kiến sẽ diễn ra thứ 6 tuần này.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, TP.HCM có hơn 80% dự án gặp vướng mắc trên tổng số 180 dự án nhà ở, khu đô thị. TP Hà Nội có 50% trên số lượng 170 dự án; TP.Đà Nẵng có 60% trong tổng sô 75 dự án; TP.Hải Phòng có 30% trên số lượng 65 dự án; TP.Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị.
Việc xác định giá đất “thị trường” chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án; Cơ quan chức năng e ngại, cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm đẩy hồ sơ đi lòng vòng gây khó khăn cho triển khai thực hiện dự án (Ảnh: Hoàng Hà)
Theo Bộ Xây dựng có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai. Những khó khăn, vướng mắc trong tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt, việc xác định đâu là giá đất “thị trường” chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
“Cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường. Nhiều trường hợp định giá cao hơn giá giao dịch thực tế gây khó cho doanh nghiệp thực hiện”, Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài ra, còn có vướng mắc liên quan pháp luật về quy hoạch. Có thể kể đến như: Quy hoạch chi tiết 1/500 không phù hợp với quy hoạch cấp trên; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều kiện, thời điểm rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ quy hoạch xây dựng…; Đối với các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang triển khai thực hiện nhưng căn cứ, cơ sở pháp lý đã hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, liên quan đến pháp luật đầu tư cũng có những vướng mắc, khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, có vướng mắc trong việc phải thực hiện thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh tiến độ dự án vì nguyên nhân khách quan, chủ quan…; điều chỉnh dự án khi vi phạm chậm đưa đất vào sử dụng…
Tâm lý sợ trách nhiệm đẩy hồ sơ lòng vòng
Về tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Các địa phương chưa kịp thời ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan như: Điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ được tách diện tích đất trong dự án bất động sản thành dự án độc lập đối với các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Không ít địa phương chưa chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tập trung, chú trọng lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở…
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, cũng có nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường. Theo đó, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dừng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác khiến doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Doanh nghiệp BĐS nên cơ cấu lại, tránh việc ‘chết chìm trên đống tài sản’Đòi hỏi cơ chế riêng là phi thị trường. Doanh nghiệp bất động sản cần xem xét lại nguồn lực, cần thiết bán bớt dự án nhằm giảm gánh nặng về vốn và thêm dòng tiền để thực hiện tốt các dự án khả thi, tránh “chết chìm trên đống tài sản”
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho vay nhà ở xã hộiBộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.