Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/11, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) dẫn số liệu của Bộ Thông tin, Truyền thông cho thấy Việt Nam hiện có 53 triệu người sử dụng Facebook, 35 triệu người sử dụng Youtube. Thông qua đó nhà mạng thu tiền quảng cáo và dịch vụ nhiều tỷ đồng. Ông đề nghị “tư lệnh” ngành Tài chính thông tin về việc quản lý thu thuế với hoạt động này.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay kinh doanh thương mại điện tử trên Google đã thực hiện kê khai nhưng chưa thu được. Bộ Tài chính cũng tổ chức phối hợp với các cơ quan Bộ Thông tin Truyền thông, các nhà mạng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tìm được nhiều địa chỉ kinh doanh trên mạng. Trong đó, một số người đã đăng ký mã số thuế.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
“Chúng tôi tiếp tục làm mạnh việc này. Về lâu dài phải phối hợp được với Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook cũng phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Để kê khai nộp thuế thay thì rất khó quản lý, cho nên những việc này phải phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý tốt hơn”, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc kiểm soát thu thuế từ kinh doanh vận tải Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết “Luật quản lý thuế đang được hoàn thiện và đã trình các cấp có thẩm quyền”. Về phía Uber, Grab đã tự giác kê khai, nộp thuế. Tổng cục Thuế cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra và thu thêm phần thiếu.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi về đề án thử nghiệm Uber, Grab dưới cách tiếp cận nguồn thu cho nhà nước. Theo ông Dương Trung Quốc, loại hình này “phát triển vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn nhưng đóng góp vào thuế thấp”.
“Vậy vào thời điểm chúng ta sắp kết thúc thử nghiệm, nếu kéo dài tình trạng này chúng ta có tiếp tục hay không? Vì với một doanh nghiệp đầu tư rất ít, lỗ rất nhiều, nợ thuế rất nhiều và bản thân chủ nước ngoài lĩnh đủ. Tất cả những hệ lụy còn lại để ở trong nước”, đại biểu nói.