Sáng nay 6/6, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ là tư lệnh ngành thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.
Mở đầu phiên, Bộ trưởng đã cho biết ngành đang nỗ lực thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới giáo dục. Theo đó, ngành đã có những bước đầu chuyển biến tích cực.
Ngay trong phần mở đầu, trước khi bị đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Nhạ đã ngay lập tức nhận trách nhiệm.
“Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, nhiều việc tồn tại gây bức xúc cho người dân. Với trách nhiệm cuả người đứng đầu ngành, chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Sau đó, rất nhiều đại biểu đã đăng biển xin chất vấn Bộ trưởng. Một trong những vấn đề đáng lưu ý là chất lượng đào tạo của ngành giáo dục. Trong đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đặt câu hỏi về chính sách cho khối tư nhân đầu tư vào giáo dục, trước làn sóng đi học nước ngoài của học sinh, sinh viên.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân
“Hiện có tình trạng con em trong nước đi nước ngoài nhiều, nhiều trường quốc tế của các nước cũng đã mở tại Việt Nam thu học phí cao. Có trường hợp phải trả từ 400 – 500 triệu đồng/năm. Suy nghĩ của Bộ trưởng như thế nào? Làm thế nào để doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào lĩnh vực này?”, đại biểu nêu vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng cho biết đây là câu chuyện không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là văn hoá. Xu hướng đưa con em ra nước ngoài là xu hướng chung, từ những nước chưa phát triển sang những nước phát triển.
Theo số liệu không chính thức, hiện lượng tiền “chảy” ra nước ngoài cho giáo dục đào tạo ước khoảng 3 – 4 tỷ USD, là một con số rất lớn.
Hiện, giáo dục là một vấn đề được Nhà nước rất quan tâm, thực tế 20% ngân sách đã được phân bổ, đầu tư cho ngành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận đối với yêu cầu nâng cao chất lượng thì vẫn còn nhiều hạn chế. Bộ trưởng Nhạ cho biết để phát triển giáo dục, cần phải có sự tham gia của xã hội, là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
“Bài học thành công của nhiều nước, ví dụ như Hàn Quốc, hay Trung Quốc gần đây cũng đã có sự tham gia của các thành phần kinh tế”, ông Nhạ nói.
Theo ông, Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ GDĐT theo đó đã có tham mưu, đề án… để tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, tư nhân tham gia đầu tư giáo dục.
Bộ trưởng nhấn mạnh chất lượng là thứ sẽ giúp giữ sinh viên, học sinh ở lại trong nước học tập. Theo đó, nguồn ngân sách nhà nước dùng cho giáo dục phổ cập, cơ bản, đặc biết ưu tiên đến các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng cũng giải thích điều này không có nghĩa là nguồn đầu tư Nhà nước không quan tâm đến nâng cao chất lượng, tuy nhiên “vẫn trông đợi vào các nguồn xã hội, các tập đoàn lớn”.
Cụ thể, đó là những chương trình theo chuẩn quốc tế, tiên tiến, hiện đại ngay từ đầu. Việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục sẽ giúp giảm áp lực đối với Nhà nước.
Ông Nhạ cho biết trong thời gian tới khi sửa Luật Giáo dục và đại học, sẽ ưu tiên việc xã hội hoá trong ngành này. Thông qua việc làm này, Bộ trưởng nói rằng hi vọng chủ trương của Đảng, Nhà nước sớm đi vào thực tiễn.
“Thực tế chúng ta đã thực hiện rồi, nhưng chưa sát nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư rồi nhưng chưa mạnh”, Bộ trưởng Nhạ nói.