Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Tiến Tuấn.
Chuẩn nước thải cao, nhưng không phù hợp
Góp về dự thảo Luật Chăn nuôi, ông Lê Quang Huy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khẳng định, chất thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu đầu vào, thay vì quan điểm coi đây là nguồn gây ô nhiễm.
“Chất thải chăn nuôi thực chất không phải là đối tượng gây ô nhiễm, mà nó phải là nguồn đầu vào để tiếp tục xử lý. Việc coi chất thải chăn nuôi như rác, nguồn gây ô nhiễm, tôi cho là cách nhìn nhận không hợp lý. Bởi lẽ, chất thải chăn nuôi còn có thể làm năng lượng, cho cá ăn,…” – ông Lê Quang Huy nói.
Bên cạnh đó, quy chuẩn cũng là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Luật Chăn nuôi đang trong quá trình soạn thảo nên phải kế thừa các quy chuẩn đã ban hành trước đó, như QCVN 08 (năm 2015) và QCVN 62 (năm 2016). Theo đại biểu này, quy chuẩn về nước thải cần có tính thực tiễn và không làm tốn thêm chi phí doanh nghiệp.
Trao đổi về chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các quy chuẩn hiện nay đang tạo nên vướng mắc cho doanh nghiệp. Mặc dù Bộ NNPTNT quản lý về nông nghiệp, nhưng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi lại được ban hành bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, nhiều tiêu chuẩn được đặt ra cao đến mức không thể thực hiện được.
“Quy chuẩn 62 về nước thải chăn nuôi, do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, đã thiết lập một chuẩn rất cao, cao đến mức mà nước thải cho chăn nuôi nhưng người có thể “nhảy ùm xuống tắm được”. “Trình độ kinh tế như nước ta thì chỉ nên đòi hòi vừa phải, nhưng các anh ấy lại tham chiếu ở những nước rất tiên tiến. Cần có sự phù hợp. Bởi nếu lấy tiêu chuẩn cao quá thì khi kiểm tra, ai cũng vi phạm, mặc dù trong thực tiễn thì không gây ảnh hưởng nhiều đến bên ngoài” – ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về Luật Chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ NNPTNT nên là cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành quy chuẩn nước thải. Khi thải ra bên ngoài, doanh nghiệp cần xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn do Bộ này ban hành.
Nuôi một con gà tre cũng phải đăng ký với chính quyền xã
Trong thời gian vừa qua, Dự thảo Luật Chăn nuôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của cử tri và Đại biểu Quốc hội.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định các hộ chăn nuôi phải kê khai với UBND cấp xã cần được nghiên cứu kỹ. Quy định như trong dự thảo thì những hộ nuôi một con bò, vài con gà cũng phải trình báo với chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thanh Hải, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình – Trưởng ban Dân nguyên của Quốc hội từng đặt câu hỏi: “Tôi nuôi mấy con gà tre để làm cảnh hay con gà để đẻ trứng dùng để ăn, thừa ra một chút muốn bán thì như thế nào?”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định, việc kê khai với chính quyền địa phương nhằm biết rõ số lượng và phòng tránh tình trạng “giải cứu” thường xuyên diễn ra trong những năm qua.
“Dự thảo có quy định về việc đăng ký khi chăn nuôi. Hộ chăn nuôi thì đăng ký lên xã. Trang trại đăng ký lên huyện. Tất cả các nước đều làm như thế. Có ý kiến cho rằng đưa quy định này vào Luật là gây phiền hà, rườm rà. Nhưng không đăng ký thì không quản lý được. Thứ hai là không nắm được diễn biến, dẫn đến thừa, thiếu” – ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.