Rủi ro về chu kỳ khủng hoảng 10 năm đã được Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, sáng nay 2/7.
Bộ trưởng nói rằng nguyên nhân chính của các kỳ khủng hoảng trước đó, diễn ra vào các năm 1979, 1989, 1999 và 2009 xuất phát từ khu vực tài chính – tiền tệ, bất động sản. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định tình hình tài chính hiện đang trong tầm kiểm soát. Với sự điều hành linh hoạt của Nhà nước, hệ thống thanh khoản ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định.
Đối với thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Dũng nhận định chứng khoán đã có sự điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng. Bất động sản cũng đã hạ nhiệt trong khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là đối với cơn sốt đất tại 3 địa điểm dự kiến trở thành đặc khu kinh tế.
“Điều này cho thấy ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm”, Bộ trưởng nhận định. Tuy nhiên, không vì thế mà những người điều hành được chủ quan, theo ông Dũng, ngược lại, ông nhấn mạnh cần phải theo dõi chặt chẽ các diễn biến vĩ mô để có những ứng phó kịp thời trước những thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý về xu hướng tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm dần về cuối năm. Cụ thể, GDP quý I/2018 đạt 7,45% đã giảm còn 6,79% trong quý II/2018. Tính chung 6 tháng, GDP Việt Nam đạt 7,08%, là mức cao nhưng để đạt được mục tiêu 6,7% của cả năm trong quy luật tăng trưởng “quý sau thấp hơn quý trước” cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Ông Dũng đưa ra mức tăng của quý III, quý IV lần lượt phải đạt 6,53% và 6,36% thì mục tiêu cả năm của Chính phủ về tăng trưởng mới được đảm bảo.
Về lạm phát, Bộ trưởng cho rằng dù được kiểm soát nhưng việc CPI trong hai tháng 5, 6 liên tục tăng mạnh so với tháng trước cũng dấy lên nhiều lo ngại không giữ được ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Do đó, ông nhấn mạnh phải thực hiện tốt việc bình ổn giá, điều chỉnh kinh tế.
Ngoài ra, căng thẳng chiến tranh thương mại có khả năng lan rộng tạo nên nhiều ý kiến khác nhau về thách thức, cơ hội cho Việt Nam, theo Bộ trưởng.
Bởi Việt Nam không phải là đối tượng bị nhắm đến trong cuộc chiến này, do đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để gia tăng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, những bất ổn toàn cầu sẽ tạo ra cạnh tranh giữa các nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
“Do vậy, chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ, tận dụng các cơ hội và thách thức từ cuộc chiến này”, Bộ trưởng nói.