Không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các công việc với tinh thần không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Bộ trưởng nhấn mạnh nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể: CPI tháng 2 tăng 0,73%, bình quân hai tháng tăng 2,90%; Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; Xuất siêu 1,08 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD); Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,2% cao gấp trên 6 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,4%)…
Đối với thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Dũng cho biết sau đợt giảm điểm sâu đầu tháng 2 do tác động của thị trường thế giới, chỉ số VN-Index đã có sự phục hồi sau Tết Nguyên đán, đạt trên 1.100 điểm…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp.
Theo đó, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35…, Các Bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng trình Chính phủ trước ngày 15/3.
Chính phủ yêu cầu đặc biệt lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; phải có những chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược và xử lý nợ xấu, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng cho rằng cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và Việt Nam hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối, do đó cần các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.
Yêu cầu Bộ ngành chuẩn bị nội dung để tổ chức các Hội nghị chuyên đề, bàn giải pháp quyết sách quốc gia
Theo thông tin của Bộ trưởng Dũng, Thủ tướng đã yêu cầu từng Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Mục tiêu năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thủ tướng Chính phủ đã nhắc các Bộ khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình để thời gian sắp tới tổ chức các Hội nghị chuyên đề bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia.
Ví dụ như các Hội nghị bàn các giải pháp: Thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng lao động; các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường vốn, tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp tích tụ, tập trung đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…
Với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Dũng cũng đã cho biết về tình hình các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 2/2018.
Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến 28/2/2018, có tổng số 25.385 nhiệm vụ giao. Trong đó, có 13.311 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 11.148, quá hạn: 2.163); 12.074 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 11.765, quá hạn: 309 – chiếm 2,26%).
Trong tháng 2, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành điều kiện kinh doanh.