Sáng 16/8, tiếp theo chương trình Phiên họp thứ 13, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Bộ trưởng đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến các vấn đề như xây dựng trái phép, quy hoạch đô thị, lấn chiếm đất đai…
Xây dựng trái phép có xu hướng giảm nhưng vẫn còn lớn
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận tình trạng xây dựng trái phép, không phép là thực tế có thật. Dù thời gian qua có xu hướng giảm, nhưng vấn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm…
Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng.
Về cam kết “khi nào chấm dứt” tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng nói thật rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương. Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: VGP
Quy hoạch đô thị có dấu hiệu trục lợi
Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để đảm bảo cuộc sống cho con người cả trong hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt…); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện dẫn tới tình trạng quy hoạch treo. Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá.
Theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch. Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai…
Vấn đề đặt ra là có trục lợi hay không trong trục lợi quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu trục lợi.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, nặng nề về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi.