Sáng nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phối hợp cùng tới Tập đoàn PAN Group tổ chức Hội thảo “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu”. Hội thảo này được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự phát triển của ngành điều Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên bên cạnh đó ngành điều vẫn còn rất nhiều thách thức cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân để có sự đầu tư xứng đáng cho cây điều.
Theo Bộ trưởng, sau 30 năm đổi mới ngành nông nghiệp Việt Nam đã chuyển từ một nước nhập khẩu lương thực sang một nước đã xuất khẩu nông lâm thuỷ sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên tới hơn 30 tỷ USD trong đó chúng ta có 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Với riêng ngành điều, năm 1988 chúng ta xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Từ con số 0, sau 28 năm chúng ta tự hào trở thành quốc gia chế biến hạt điều lớn nhất thế giới với sản lượng trên 50% nguyên liệu, giá trị xuất khẩu hạt điều năm 2016 đạt 2,8 tỷ USD và năm nay chúng ta sẽ cán đích khoảng 3,2-3,3 tỷ USD.
Trong quá trình phát triển của kinh tế ngành điều, chúng ta tự hào về diện tích, sản lượng và công nghệ chế biến hạt điều, 46 doanh nghiệp đã trưởng thành trong quá trình đó, ngành điều cũng đã mang lại giá trị kinh tế cho một bộ phận người dân đặc biệt tại những vùng khó khăn, những vùng miền núi, đồng thời giá trị xuất khẩu 3 tỷ USD cũng giúp cân đối ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, sau những kết quả đạt được Bộ trưởng cho biết ngành điều còn có rất nhiều thách thức thậm chí nguy cơ đe doạ ngành điều.
Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hoá hoặc bị chuyển đổi sang cây khác như cao su, cà phê, hồ tiêu…có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp…là những thách thức mà ngành điều đang phải đối mặt.
Theo Bộ trưởng, nhu cầu tiêu thụ của ngành điều thế giới liên tục tăng nhưng cung lại không đáp ứng được cầu. Bộ trưởng đặt câu hỏi tại sao một đất nước sản xuất trên 50% điều thô chế biến mà hiện nay đang phải phụ thuộc hơn 60% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu? Trước đây khi sản xuất ở quy mô nhỏ chúng ta có thể chủ động được nguồn nguyên liệu nhưng hiện nay chỉ chủ động được hơn 30%? 10 năm trở lại đây diện tích điều đi xuống, năng suất giảm từ 1,1 tấn/ha xuống còn 0,75 tấn/ha, phải chăng cây điều, ngành điều không hấp dẫn hay chúng ta không biết cách làm cho cây điều trở nên hấp dẫn? Đây là câu hỏi lớn. Vấn đề này theo Bộ trưởng còn gắn với bức tranh biến đổi khí hậu. Do đó nếu không được tổ chức tốt, không có sự vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân thì nguy cơ hiện hữu sẽ đến với ngành điều.
Tổng giám đốc Tập đoàn PAN ông Nguyễn Khắc Hải phát biểu tại hội nghị cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, tồn tại, thứ nhất là giải quyết câu chuyện đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.
Đối với đầu vào nguyên liệu, Việt Nam phải chủ động được đầu vào theo hình thức là tái canh. Tổng diện tích điều Bình Phước 180.000 ha, 80% được trồng từ hạt, không qua chọn giống, năng suất thấp. Tỷ lệ cây già cỗi chiếm 30%, tương đương 60.000 ha. Do đó chúng ta phải tìm ra phương thức tái canh để làm sao người nông dân và các mắt xích khác cùng tham gia vào tái canh.
Lợi ích kinh tế là nếu người nông dân tái canh thì sẽ hoàn vốn sau 1 năm, năng suất cây điều sẽ tăng từ 1,4 tấn lên 2,4 tấn/ha, thu nhập tăng gấp đôi, từ 35 triệu đồng lên đến 76,4 triệu đồng/ha.
Theo ông Hải, chi phí tái canh cho 1ha điều, đầu tư ban đầu và chi phí sản xuất cho năm đầu tiên rơi vào 30 triệu đồng. Tổng chi phí tái canh để tái canh nguyên liệu điều Bình Phương là 246 triệu đô. Đây là con số không nhỏ với người nông dân, nếu tái canh thì 3-4 năm đầu khi cây chưa có trái, nông dân sẽ không có thu nhập từ tái canh.
Do đó, Chương trình tái canh của PAN kết hợp với người nông dân đưa ra là theo phương án vết dầu loang, cuốn chiếu. Hiện nay 30% diện tích nguyên liệu điều già cỗi, tái canh từ những cây này, và làm cuốn chiếu dần dần, cứ như vậy tái canh toàn bộ cả nước trong 20 năm.
Theo ông Hải, để thực hiện tái canh, cần nguồn vốn, nhân lực từ xã hội. Cụ thể, một doanh nghiệp tham gia thì khó, nhưng nếu có được sự đồng tâm từ doanh nghiệp khác, mắt xích khác, cụ thể là người nông dân, Chính phủ, WB thì sẽ tìm được nguồn tài trợ trang trải chi phí tái canh ban đầu.
Hội thảo ngành hôm nay có sự tham gia của bốn bên từ Bộ Nông nghiệp, doanh nghiệp, IFC, hiệp hội các ngành hàng và hợp tác xã,người nông dân để đưa ra các giải pháp giúp tăng diện tích và năng suất cây điều, đưa ngành điều Việt Nam tham gia vào chuỗi chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho hạt điều, giữ vững vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm.