Theo đó, bộ này đề xuất giảm phí cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu (theo yêu cầu của nước nhập khẩu) từ 350.000 đồng/lô hàng xuống 200.000 đồng/lô hàng. Ngoài ra, phí thẩm định kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng giảm xuống còn 30.000 đồng/lần/người.
Bộ này cũng kiến nghị miễn phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ 120 triệu đồng xuống 105 triệu đồng/lần thẩm định.
Ngoài ra, bộ cũng đang lấy ý kiến việc điều chỉnh giảm phí thẩm định nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ.
Mức phí phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền cũng giảm từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng và phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc (hiện tại là 200.000 đồng/hồ sơ) được đề xuất bỏ hoàn toàn.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu lệ phí đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần; đề xuất giảm mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản (từ 125 bản/tháng trở lên) xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng. Mức phí cũ là 5 triệu đồng/tháng.
Dù đề xuất nhiều loại phí, lệ phí nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu ý kiến nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1.1.2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1.1.2019 và 14% từ ngày 1.1.2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1 bất chấp nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc tăng thuế VAT sẽ tăng thêm gánh nặng cho người nghèo.