Giấc mơ đảo Ré của chàng thanh niên
Sinh năm 1987, có trong tay bằng kỹ sư công nghệ thông tin nhưng Phạm Văn Công cho biết mình có duyên số với nghề làm nông hơn. Đó là năm 2011, Công đọc được những thông tin về việc củ tỏi quê hương bị làm giả, làm nhái rồi bị hắt hủi trên thị trường. “Tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương”, Công nói. Cũng bắt đầu từ đó, anh thanh niên chỉ quen với máy tính, dãy số lập trình bắt đầu học về cây tỏi, về cách kinh doanh nông sản, làm thương hiệu như thế nào.
Thương hiệu đầu tiên được Công xây dựng là Vua tỏi Lý Sơn. Sau đó, đến năm 2016, Công chuyển sang thương hiệu DORI, mục tiêu phát triển nông sản hữu cơ nói chung, không thuần tuý chỉ là tỏi nữa. Bởi lẽ, như Công tâm sự, bà con trên đảo dù thuần thạo nghề nông, sản vật chất lượng tốt nhưng phát triển không bài bản, dẫn đến giá trị nông sản chưa cao.
DORI, theo giải nghĩa của Công là Dream of Ré Island (Giấc mơ của đảo Ré – tên gọi xưa của Lý Sơn), gửi gắm trong đó là khát vọng phát triển những sản vật Lý Sơn sạch, tốt cho sức khoẻ, giá trị cao, đặc biệt là cây tỏi vốn được xem là linh hồn của đảo.
Như chàng trai trẻ tâm sự, cây tỏi đã gắn bó bao đời với bà con trên đảo. Nghề trồng tỏi cũng lắm công phu, từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch.
Theo truyền thống, trồng tỏi bắt đầu bằng giai đoạn làm đất, được xem là khâu cầu kỳ nhất. Trước tiên, người nông dân cạo bỏ lớp đất cũ trên bề mặt ruộng, sau đó thêm một ít phân hữu cơ, một lớp đất đỏ bazan (hoặc đất tốt, lấy từ độ sâu 1 – 2m do đất đỏ bazan lấy từ miệng núi lửa bị cấm) phủ lên. Trên lớp đất bazan ấy, bà con lại tiếp tục phủ lên một lớp đất pha (đất cũ dùng lại được) dày 2 – 3cm, rồi lại tiếp tục một lớp cát trắng dày tương tự, lấy từ lòng biển có chứa san hô phân huỷ, đảm bảo được tỷ lệ vôi cao. Quy trình làm đất thường mất khoảng nửa tháng trước tháng 9 âm lịch để chuẩn bị cho việc gieo trồng.
Mùa vụ của tỏi thường bắt đầu vào tháng 9 âm lịch, qua tháng Giêng mới bắt đầu thu hoạch. Giai đoạn này cũng hay trùng với các đợt mưa bão nên cây tỏi cũng nhiều phen khốn đốn.
Theo lời của Công, mưa to sẽ khiến tỏi bị ngập úng, thối rễ, thối củ. Gió bão khiến cho cây tỏi gần lúc thu hoạch bị đổ quật, khiến cho dinh dưỡng tích tụ ở thân không về củ được, tỏi cứ thế là mất mùa.
Thời tiết là một chuyện nhưng người trồng tỏi sợ nhất là sâu bệnh. “Mầm bệnh trong đất rất nhiều”, Công nói. Bà con nhìn sâu bệnh như một nỗi ám ảnh và liệu pháp duy nhất được nghĩ đến là dùng thuốc.
“DORI có cách làm khác như thế nào?”
“Chúng tôi có ba mô hình”, Công trả lời.
Thứ nhất là VietGap, kết hợp với bà con trên đảo, cách làm gần giống với cách làm truyền thống. Nhưng ở đó, DORI giải quyết hai vấn đề: xử lý nguồn đất bằng chế phẩm sinh học chuyên dùng và giảm tối đa chất bảo vệ thuốc bảo vệ thực vật.
“DORI kiểm soát ngưỡng sử dụng. Lượng chất bảo vệ thực vật được dùng đều được ghi lại trong nhật ký để làm chương trình truy xuất nguồn gốc”, Công nói.
Thứ hai là mô hình hữu cơ. Theo đó, các thửa ruộng của DORI chuyển sang dùng hầu hết các chế phẩm sinh học, trong đó, nhấn mạnh việc làm đất, đưa đất trở về sự đa dạng sinh học vốn có của nó. Sâu bệnh, theo Công, gốc rễ nảy sinh là vì đất bị không được cân bằng giữa vi sinh vật tốt, xấu. Bà con nông dân không giải quyết vấn đề từ gốc, mà lại từ ngọn – tức phun hoá chất khiến cho tình hình càng xấu đi.
Mô hình thứ ba, Công nói với giọng hào hứng, đó là anh đang nhen nhóm đưa ruộng tỏi trở về với hình hài tự nhiên nhất. “Nó trên mức hữu cơ, không sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học mà tạo môi trường tự nhiên như vốn có, con người không can thiệp mà bàn tay tạo hoá điều tiết”, Công cho biết.
Mô hình này tất nhiên cũng phải bắt đầu từ đất. Đó là làm cho đất màu mỡ, đa dạng sinh học trở lại, đưa mọi thứ về trạng thái cân bằng bằng cách bổ sung thực vật để tạo phân bón, đưa “thiên địch” vào ruộng.
“Mất thời gian lắm, nhưng đó là ước mơ tôi ấp ủ cho bằng được”, Công nói. Tự nhận mình là fan của cuốn sách Cách mạng một cọng rơm, Công cho biết anh đã chia sẻ rất nhiều với bà con cũng như các bạn trẻ khác nhằm nhân rộng mô hình này.
Dự án nhà máy 1.000 m2 trên đảo Tỏi
Mọi sự thay đổi đều gặp khó khăn. Founder của DORI tâm sự vấn đề lớn nhất của anh chính là việc thuyết phục bà con đi theo cách làm mới, bỏ đi tập quán vốn có từ bao đời nay. “Họ ám ảnh bởi sâu bệnh, hở một chút là dùng thuốc bảo vệ thực vật”, Công nói.
Hiện DORI đang tập trung chứng minh tính hiệu quả về năng suất, lợi nhuận, an toàn môi trường, sức khoẻ,… với người dân trên đảo thông qua việc tự sản xuất. “Cần thời gian và sự đồng lòng hơn nữa”, Công nhấn mạnh, cũng theo anh, thị trường cần ủng hộ thêm sản phẩm hữu cơ, đấy chính là động lực để người sản xuất và bà con nông dân nhân rộng thêm.
Ngoài cửa hàng ở Cảng Cá, trên đảo, Công còn có một nhà máy 300m2 chế biến tỏi đen. Đặt nhà máy trên đảo, anh nói rằng khó khăn là không thể tránh khỏi, trong đó, nhấn mạnh đến độ mặn của nước biển làm cho máy móc khó bảo trì, hư hao nhiều hơn. Dù vậy, việc có nhà máy là điều tất nhiên, như lời khẳng định với thị trường sản phẩm chắc chắn được làm từ nguyên liệu chính thức của Lý Sơn, theo Công.
Founder của DORI cho biết sắp tới anh muốn xây dựng nhà máy 1.000m2, hiện đã được Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch, nhưng nhà máy vẫn đang có chút trục trặc trong khâu giải toả đất nên chậm hơn kế hoạch ban đầu. Dù vậy, Công vẫn tỏ ra lạc quan là dự án tâm huyết với nông nghiệp của mình sẽ sớm trở thành hiện thực.
Từ lúc khởi nghiệp năm 2011, đến nay tổng vốn đầu tư của Công rơi vào khoảng 3,5 tỷ đồng với một nhà máy, 3 cửa hàng đặt tại TP. HCM, Quảng Ngãi và Lý Sơn, chủ yếu huy động từ gia đình. Với nhà máy mới, Công cho biết đang lên kế hoạch mở rộng vốn, kêu gọi nhà đầu tư thiên thần.
Không tiết lộ về doanh thu, Công chỉ nói rằng công ty có lãi, nhưng là “chút xíu” vì tỏi Lý Sơn trên thị tường vẫn bị nhập nhằng với tỏi nhái. “Họ lẫn lộn thật giả, chào giá thấp, của mình đầu tư bài bản, tốn kém giá cao, nên gặp nhiều vất vả để tồn tại”, Công nói. Tuy nhiên, Công khẳng định mình đang đầu tư cho tầm nhìn dài hạn mà ở tương lai, thị trường sẽ ủng hộ những bền bỉ cố gắng của ngày hôm nay.