Khi bạn đang đọc bài viết này, có thể bạn cũng bị phân tán bởi rất nhiều thứ xung quanh. Thực tế là nói khi viết những dòng này, tôi cũng thoáng nghĩ đến việc ăn gì vào bữa trưa và có cảm giác háo hức chờ đến giờ tạm nghỉ.
Theo một số thống kê, thời gian chúng ta để não “đi lạc” (tưởng tượng) chiếm đến gần một nửa cuộc đời.
Trong bài viết có tựa đề “Ode to Positive Constructive Daydreaming” (tạm dịch là “Ngợi ca mặt tích cực của những tưởng tượng mang tính xây dựng”), tác giả Rebecca McMillan và Scott Kaufman đã xét lại nghiên cứu mang tính đột phá của tác giả Jerome L. Singer về tưởng tượng trong những năm 1950.
Tưởng tượng có nhiều tác dụng bất ngờ.
Họ thấy gì?
“Singer phát hiện ra mối quan hệ giữa những tưởng tượng, tính cách, những suy nghĩ khác lạ, sự sáng tạo, khả năng lập kế hoạch, khắc phục khó khăn, những mối liên kết, sự tò mò, thu hút và sự phân tâm.
Singer cũng lưu ý rằng tưởng tượng có thể củng cố và nâng cao các kĩ năng xã hội, giảm chán nản, tạo cơ hội để vạch ra các kế hoạch mới, là nguồn vui bất tận“.
Như vậy, tưởng tượng giúp tạo ra không gian “diễn tập” cho những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai hoặc diễn giải lại quá khứ nhưng thêm thắt các thông tin mới.
Tưởng tượng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì sự thấu hiểu chính mình. Nếu không dành thời gian để tưởng tượng thì chúng ta sẽ tự làm mất đi ý nghĩa cuộc sống. Tưởng tượng cũng là công cụ hữu hiệu trong cuộc sống hàng ngày, giúp tìm ra những giải pháp sáng tạo.
Áp dụng như thế nào?
Chúng ta vốn là những kẻ hay tưởng tượng nhưng lại có cảm giác vô công rồi nghề khi chỉ ngồi và trợn tròn mắt lên. Tác giả Rat Zana từng viết trên Business Insider về trải nghiệm dành 2 tiếng mỗi tuần chỉ để ngồi và nghĩ.
Thử dành 2 tiếng mỗi tuần để tưởng tượng về những gì còn dang dở.
Ông bắt đầu bằng việc gạt bỏ hết những thứ khiến mình phân tán, đặc biệt là điện thoại di động và máy tính xách tay. Ông khóa mình trong phòng, chỉ dùng sổ và bút để liệt kê danh sách những câu hỏi mà ông cần suy ngẫm.
Những câu hỏi đó có thể là:
– Tôi có hứng thú với những gì mình đang làm không? Hay là tôi đang làm những việc vô nghĩa?
– Thời gian tôi dành cho công việc và các mối quan hệ xung quanh liệu có cân bằng?
Nhà bác học thiên tài Albert Einstein là người hay tưởng tượng.
– Điều gì tuy nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến bản thân tôi?
– Có cách nào để tiến nhanh hơn từ vị trí hiện tại đến vị trí mục tiêu mà tôi mong muốn không?
– Những cơ hội nào mà tôi đã bỏ qua dù có khả năng tận dụng nó?
– 6 tháng tới, tôi có thể gặp khó khăn gì?
Zana cho biết đây là hoạt động phản chiếu bản thân ông rõ nhất, buộc ông phải cân bằng những mục tiêu dài và ngắn hạn.
Cũng nhờ khoảng thời gian này, ông nắm bắt được vấn đề trước khi chúng kịp thành hình.
“Giải pháp không đến vào lúc tôi tự trả lời những câu hỏi trên mà đến vào thời điểm tôi không nghĩ được gì nữa, khi tôi để tâm trí mình ‘đi lang thang’“, ông nói.
Một số thiên tài hay các nhà khoa học cũng thường dành thời gian chỉ để nghĩ mà không làm gì. Albert Einstein, người có rất nhiều phát minh làm thay đổi thế giới, là một ví dụ. Nhiều lý thuyết ông đưa ra xuất phát từ những thí nghiệm tưởng tượng, tất cả chỉ diễn ra trong đầu.
Nếu một người bình thường có thể dành trung bình 2 tiếng mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội thì vài giờ mỗi tuần để sắp xếp lại cuộc sống cũng không phải điều gì to tát. Và ai mà biết được, 2 giờ đồng hồ đó có thể thay đổi cả cuộc sống của bạn.