Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về tính khả thi của siêu dự án đại lộ ven sông Sài Gòn?

Theo Bộ KH-ĐT, dự án BT đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp quỹ đất khoảng 12.400ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của TP.HCM.

Một dự án có quy mô vốn hàng chục ngàn tỷ đồng cần bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự kiến phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, phân tích phương án tài chính dự án… Tuy nhiên, trong hồ sơ đề xuất dự án Tuần Châu chưa làm rõ những nội dung này theo quy định.

Bộ KH-ĐT cho rằng, là dự án có quy mô đầu tư lớn, chiều dài toàn tuyến 63km. Trong đó 9,5km trong khu vực nội đô quy mô 4 làn xe, 54km ngoài khu vực nội đô quy mô 6 làn xe, nên cần làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020; đồng thời phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Bộ KH-ĐT cũng lưu ý trong việc thu xếp đủ quỹ đất 12.938ha để thực hiện công trình BT và đất thanh toán cho nhà đầu tư. Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến được lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi. Theo văn bản của Bộ này, quỹ đất thu xếp cho dự án này tương đương 5% tổng diện tích đất toàn TP.HCM hiện khoảng 209.600ha, nên cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.

Ngoài ra, dự án xây dựng đại lộ dọc sông Sài Gòn có quy mô lớn, phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, tác động môi trường của dự án đối với người dân khu vực dự án. Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần lấy ý kiến rộng rãi cư dân khu vực dự án chạy qua, lấy ý kiến HĐND TP để đảm bảo sự đồng thuận trước khi quyết định đầu tư.

Về vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, trong đề xuất dự án gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, Tuần Châu kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Cụ thể, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện công tác GPMB, chi phí tư vấn, xây lắp và chi phí dự phòng dự án. Ước tính, tổng các chi phí này lên tới 57.568 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay của dự án ước tính 5.932 tỷ đồng.

Theo Bộ KH-ĐT vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng khi khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư. Hơn nữa, dự án đó phải do bộ, ngành, địa phương đề xuất.

Do vậy, Bộ KH-ĐT cho rằng đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ thực hiện dự án BT xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn là không đúng quy định, mặt khác việc sử dụng ngân sách đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, dự án phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.

Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp như kết hợp giữa đại lộ với cầu vượt, nên đề nghị TP.HCM lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác của tổng mức đầu tư đề xuất. Việc xác định quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Tuần Châu cần đảm bảo nguyên tắc ngang giá với chi phí xây dựng công trình BT.

Bên cạnh đó, phương án tài chính dự án, theo như hồ sơ đề xuất được nhà đầu tư gửi đến các cơ quan chức năng liên quan, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn là một trong các nội dung quan trọng. Nhà đầu tư cần chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn, và cam kết sẵn sàng cho vay của các bên cho vay nhằm bảo đảm tính khả thi dự án.

Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đã có bản siêu kế hoạch về dự án đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 63 km, nối từ quận 1 đến huyện Củ Chi. Đoạn một, đường được xây chui dưới các cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn rồi đi vượt lên trên cầu Thanh Đa để tiếp tục chạy vượt trên cao ven kênh Thanh Đa, qua cầu Bình Triệu và đáp xuống cù lao ở khu vực của Công ty Vissan.

Kế đến đường sẽ đi theo ven sông Sài Gòn và chui dưới cầu Bình Lợi mới rồi giao cắt khác mức với cầu đường sắt Bình Lợi để chạy theo ven sông Sài Gòn cho đến sông Vàm Thuật (quận 12). Đoạn này dài hơn 9,5 km với 4 làn xe.

Đoạn còn lại dài hơn 54 km, đi qua khu vực có thể tận dụng phần địa hình sông, rạch ít giải tỏa để xây dựng đường ven sông với bề rộng sáu làn xe.

Theo tìm hiểu, dự án vẫn đang được thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan. Cụ thể, hiện dự án đang được Sở KH-ĐT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến các sở/ngành, quận/huyện nơi dự án đi qua.

Bài viết mới