Bộ GTVT: ‘Trạm thu phí Cai Lậy không có lợi ích nhóm’

“Bộ GTVT khẳng định vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy là có căn cứ” – ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, khẳng định tại buổi họp báo về trạm thu phí Cai Lậy chiều 17-8.

Ngay sau đó, rất nhiều PV tham dự cuộc họp báo đã đặt hàng loạt câu hỏi với ông Đông.

Có lợi nhuận họ mới đầu tư

. Phóng viên: Vị trí đặt trạm Cai Lậy hiện nay căn cứ vào những quy định nào?

+ Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Vị trí đặt trạm căn cứ vào phương án tài chính để hoàn vốn và nằm trên phạm vi dự án. Đặc biệt quá trình từ khâu lập dự án, phê duyệt dự án… đều lấy ý kiến của UBND, HĐND, đoàn ĐBQH địa phương và các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, trạm đặt tại đây nhằm đáp ứng phương án thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Tất cả dự án BOT nếu không căn cứ vào phương án tài chính thì không thể làm được vì không khả thi, tổ chức tín dụng (ngân hàng) sẽ từ chối cho vay. Mục tiêu tối cao của chúng ta là hài hòa lợi ích cho người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, người dân có đường đi, Nhà nước không phải bỏ ngân sách, nhà đầu tư có lợi. Bởi có lợi nhuận họ mới đầu tư và người cấp vốn cũng phải xem xét dự án khả thi mới bỏ tiền ra.

. Về nguyên tắc, Nhà nước phải đảm bảo quyền đi lại của người dân. Quốc lộ 1 qua Cai Lậy là tuyến đường huyết mạch, vậy tại sao Bộ GTVT không sử dụng quỹ bảo trì đường bộ hoặc ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 mà lại dùng BOT?

+ Hiện nay quỹ bảo trì đường bộ chỉ đủ dặm vá, sửa chữa chứ không đủ để nâng cấp, cải tạo quốc lộ được. Ai cũng mong muốn đi đường miễn phí nhưng chúng ta phải nhìn vào tình hình đất nước. Ngân sách nhà nước không đáp ứng được việc sửa chữa lớn quốc lộ 1 trong điều kiện hiện tại.

Cụ thể, theo kế hoạch trung hạn 2016-2020, Bộ GTVT được phân bổ tổng số vốn chỉ đạt 30% so với nhu cầu để phát triển theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Vậy 70% còn lại lấy đâu ra?

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, trả lời liên tiếp các câu hỏi của báo chí. Ảnh: V.LONG

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, trả lời liên tiếp các câu hỏi của báo chí. Ảnh: V.LONG

Bỏ cầu “chó nhảy” là do kỹ thuật

. Ban đầu dự án làm đường tránh thị trấn Cai Lậy không đề cập đến việc nâng cấp 26 km quốc lộ 1 nhưng tới năm 2013 lại điều chỉnh và đưa vào. Tại sao vậy?

+ Căn cứ vào tình trạng xuống cấp của quốc lộ 1. Cùng đó, buổi làm việc giữa bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã quyết định đưa thêm việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường này vào.

. Nhiều ý kiến cho rằng việc “móc thêm” quốc lộ 1 vào dự án này là có “lợi ích nhóm”…

+ Tôi khẳng định việc nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 là vì lợi ích chung. Quá trình làm việc với địa phương, các bộ, ngành liên quan, tất cả đều đi đến kết luận cần cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ này. Trong đó, việc nâng cấp các cây cầu yếu nhằm nâng tải trọng tuyến đường. Tất cả đều được tính toán kỹ.

. Tuyến đường tránh thị trấn Cai Lậy theo thiết kế ban đầu có bảy cầu, tuy nhiên sau đó có hai cầu được thay bằng hai cống. Vậy kinh phí toàn dự án giảm được bao nhiêu?

+ Việc hai cầu bị biến thành cống hoàn toàn do vấn đề kỹ thuật. Đây là hai cầu chỉ dài khoảng 6 m, dân gian gọi vui là “cầu chó nhảy”. Việc thay thế cầu bằng cống là bước kỹ thuật để đảm bảo nguyên tắc đủ lưu lượng thoát nước. Và chi phí nếu có chênh lệch chắc chắn cũng không quá nhiều, tôi sẽ nói anh em tính toán.

Sẽ làm rõ trách nhiệm các bên

. Để xảy ra sự cố tại trạm BOT Cai Lậy vừa qua, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

+ Trách nhiệm đầu tiên là nhà đầu tư, căn cứ vào hợp đồng đầu tư; sau đó đến đại diện quản lý nhà nước là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và địa phương là tỉnh Tiền Giang.

Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm các bên để có xem xét cụ thể, theo quy trình để xử lý. Nếu có sai sót về mặt hình sự sẽ xử lý về mặt hình sự, tuy nhiên ở đây chưa phát hiện ra sai sót về mặt hình sự.

. Hiện Bộ GTVT đã giảm phí qua trạm Cai Lậy nhưng nếu người dân tiếp tục phản ứng thì sao?

+ Đây là điều chúng tôi không lường trước được. Bộ không mong muốn các sự việc tương tự sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết một cách hài hòa giữa lợi ích của các bên.

Nếu người dân tiếp tục trả phí bằng tiền lẻ gây ùn tắc, cơ quan chức năng phải chỉ đạo xử lý để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông và an ninh trật tự. Việc xử lý như thế nào sẽ tùy vào diễn biến xảy ra ở trạm Cai Lậy trong thời gian tới.

Tuy nhiên, biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

. Cá nhân ông đã đi trên tuyến Cai Lậy này chưa? Nếu ông phải bỏ tiền túi ra để đóng phí thì ông có thấy xót không?

+ Trước đây tôi theo dõi và trực tiếp chỉ đạo dự án này, sau đó mới bàn giao cho anh Nhật (ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT). Cá nhân tôi cũng trả phí đi qua các trạm chứ không phải miễn. Còn có xót tiền hay không thì phải làm cuộc so sánh là xót ở mức độ nào…

Thời gian thu phí mới sẽ là 12-14 năm

Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm đếm lưu lượng xe qua trạm Cai Lậy để tính toán lại phương án tài chính sau khi giảm phí. Dự báo thời gian thu phí mới sẽ ở mức 12-14 năm.

Ông NGUYỄN DANH HUY, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT)

Bộ Giao thông miễn, giảm phí trạm BOT Cai Lậy từ 21/8

Bài viết mới