Không chỉ 1 mà tới 2 trạm thu phí
Ông Đỗ Tuấn Dũng, Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 (đơn vị đầu tư dự án) lý giải: Việc mới đầu tư 8 km trên QL 26 (địa bàn Đắk Lắk) đặt trạm thu phí tại đây được Bộ GTVT phê duyệt, chính quyền địa phương và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản. Thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch trạm kiểm tra tải trọng xe vào trạm thu phí này (tại Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016).
Theo đó, trên địa bàn Đắk Lắk, dự án tiến hành nâng cấp mở rộng 8 km (từ Km 91+383 đến Km 98+800, từ nền đường từ 5,5 – 7,5 m lên 16,3 m) và đặt trạm thu phí trên phần nâng cấp, mở rộng này. Ông Dũng cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành và chuẩn bị thu phí.
Một điểm đáng chú ý, cũng theo hợp đồng dự án này, với tổng chiều dài toàn dự án (khoảng 20 km, trong đó có hơn 11 km mở mới và nâng cấp QL 26 qua địa bàn Khánh Hòa), Bộ GTVT cho phép đặt đến 2 trạm thu phí để thu hồi vốn (hai trạm cách nhau 85 km, cùng thu phí hoàn vốn trong 18 năm 6 tháng).
Ông Dũng cho hay, việc đặt 2 trạm nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án vì đây là quốc lộ ít xe qua lại. Ông Dũng dẫn số liệu đếm xe của Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ) cho thấy, số lượng xe ô tô qua tuyến chỉ hơn 2.000/xe/ngày, bằng 1/10 mức trung bình QL 1 A. “Qua thu phí thử, mức thu mỗi trạm chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. Cả hai trạm 160 triệu đồng/ngày, không bằng 1/10 trạm BOT trên QL 1. Dự án này phải đến năm thứ 8, nhà đầu tư mới bắt đầu thu hồi vốn” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cho hay, nhờ biện pháp thi công hợp lý, đẩy nhanh tiến độ, giá xăng dầu, ca máy, vật liệu cũng rẻ hơn khi dự án được duyệt nên dư gần 1/3 tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 729 tỷ đồng, ước tính dư 220 tỷ đồng).
“Thời gian thu phí rút xuống còn 13 năm với mức phí 25.000 đồng/xe cơ sở (dưới 12 chỗ ngồi hoặc xe tải dưới 2 tấn – PV), thấp hơn mức trung bình 35.000 đồng của BOT hiện nay. Chúng tôi là đơn vị thi công thực sự, dùng vốn tích luỹ, công sức anh em công nhân đầu tư lấy tiền duy trì bộ máy khi công việc ngành GTVT đã hạn chế chứ không tay không bắt giặc” – ông Dũng nói.
Sẽ tiếp tục đầu tư?
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, người phụ trách dự án này cho hay: Chủ trương mở rộng QL 26 có từ năm 2008 nhưng không thể triển khai vì ngân sách địa phương và trung ương đều khó khăn, dự án cũng chưa cấp bách so với các dự án thiết yếu khác. Tuy nhiên, việc mở rộng dự án sẽ có lợi cho nhiều huyện tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa nên hai tỉnh đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu triển khai BOT.
“Thực sự tuyến đường này cũng như một số tuyến đường xương cá khác nối giữa QL 1A lên Tây Nguyên lượng xe rất thấp. Để làm BOT buộc phải tính toán phương án tài chính tốt mới thu hút được nhà đầu tư” – ông Đông nói.
Trả lời câu hỏi: Một dự án chỉ 20 km đường thi công nhưng có đến 2 trạm thu phí là bất thường so với các dự án khác? Ông Đông cho hay: “Việc kiểm soát đầu tư, hiệu quả dự án sẽ do kiểm toán, các cơ quan thanh tra và dư luận giám sát. Tuy nhiên, với số vốn dư của dự án, Bộ GTVT sẽ tiếp tục dùng để đầu tư thêm các đoạn khác trên tuyến để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và người dân”.
Hiện nay, Bộ GTVT đã cho chủ trương nghiên cứu đầu tư thêm từ nguồn vốn còn lại của dự án nhằm kéo dài phạm vi dự án thêm 15-20 km nữa, dự kiến sẽ triển khai trong Quý 4/2017. Hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk khi biết dự án có vốn dư cũng đề nghị sử dụng để đầu tư mở rộng thêm các đoạn tuyến khác trên tuyến, tháo các nút thắt cổ chai, làm rãnh thoát nước dọc trên tuyến để phát triển đô thị.
Hiện nay Bộ GTVT đã cho chủ trương nghiên cứu đầu tư thêm từ nguồn vốn còn lại của dự án nhằm kéo dài phạm vi dự án thêm 15-20 km nữa, dự kiến sẽ triển khai trong Quý 4/2017.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT