Trả lời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết loạ hình vận tải thông minh đã có mặt ở Việt Nam vài năm nay.
“Chúng ta đã quen dùng Uber, Grab taxi, nhưng thực tế hiện có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối, không chỉ bằng điện thoại mà còn trên hiều nền tảng công nghệ khác, mang lại thuận lợi cho người sử dụng”, Thứ trưởng nói.
Về thẩm quyền, Thứ trưởng cho biết Thủ tướng đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông (Quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…).
Tất cả các yếu tố này phải được xác định từ quy hoạch phát triển hạ tầng, từ mức độ phát triển hạ tầng hiện hữu… Số lượng sẽ được xác định thông qua quy hoạch. Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.
Do đó, với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương.
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị dừng “khẩn cấp” Uber, Grab. Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội đã “tố” loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử, Grab vẫn duy trì dịch vụ đi chung xe (Grabshare) dù đã có chỉ đạo từ phía Bộ Giao thông vận tải. Hay dù thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản yêu cầu Grab, Uber dừng quảng cáo, hoạt động nhưng thực tế vẫn có vài nghìn xe loại hình này hoạt động tại đây…Bên cạnh đó, dẫn số liệu thu thập được, Hiệp hội này ước tính mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.