Bộ Giao thông bác đề xuất dừng thí điểm Uber, Grab

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Văn Phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về một số vấn đề liên quan đến hoạt động thí điểm hợp đồng điện tử, Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đã từ chối đề xuất “cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017”.

Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là phù hợp với quy định về các giao kết thông qua hợp đồng, đưa kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

“Việc xây dựng, ban hành và triển khai Quyết định 24 kèm theo kế hoạch thí điểm hoàn toàn phù hợp quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định một lần nữa.

Bộ Giao thông cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đối với kiến nghị “dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm, hiện đã tăng đến 50.000 xe chỉ trong 18 tháng, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, bản chất của việc thí điểm là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ, không phải là vận tải khách bằng taxi.

Theo quy định, việc tổ chức giao thông và cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe hợp đồng do Sở Giao thông Vận tải địa phương thực hiện cấp và quản lý. Hơn nữa, việc các địa phương quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông đã được quy định tại Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tại văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiến nghị: “Trên cơ sở kiến nghị của các Sở Giao thông Vận tải, kính đề nghị Thủ tướng xem xét cho các địa phương đã thí điểm khi tổng số lượng phương tiện xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp dồng dưới 9 chỗ cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn theo quy định”.

Bộ Giao thông cũng trả lời về việc thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam. Theo bộ này, bản chất của thí điểm này là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ, không phải là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới phát sinh trong quản lý, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nội dung quy định tại Nghị định thay thế Nghị định 86 cho phù hợp thực tiễn.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ luỵ của Kế hoạch thí điểm gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.

Đồng thời, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, phải quy định quản lý Uber, Grab như quản lý taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Đề xuất cấp hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện kinh doanh như Uber, Grab.

TS. Nguyễn Đức Thành: Không để taxi truyền thống đơn độc trước Uber, Grab

Bài viết mới