Trong dự thảo sửa đổi năm luật về thuế lấy ý kiến công khai trước đây, Bộ Tài chính từng đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với thuế suất 10% .
Bộ Tài chính lý giải rằng Luật Thuế VAT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về các đối tượng không chịu thuế VAT, trong đó có chuyển quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và công tác quản lý thuế.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã tiếp thu và chính thức bỏ đề xuất đánh thuế VAT với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Không tăng thuế là hợp lý
Đây là tin vui với cả người mua nhà lẫn các công ty bất động sản.
Là đơn vị đã có nhiều kiến nghị về sự bất hợp lý của việc đánh thuế VAT khi sang tên sổ đỏ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói: “ Chúng tôi hoan nghênh và vui mừng khi kiến nghị được cơ quan quản lý tiếp nhận. Việc bỏ đề xuất đánh thuế VAT nhận được sự đồng tình của cộng đồng kinh doanh và người dân”.
Theo ông Châu, bỏ đề xuất đánh thuế VAT là hợp lý vì theo quy định hiện hành, chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Bởi lẽ tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước mà chủ dự án đã nộp tương tự như một khoản thuế. Nếu thu thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm.
“Thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Do đó việc áp thuế VAT sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công… tăng lên, giá bán nhà tăng lên” – ông Châu phân tích.
Tán đồng, TS Ngô Trí Long nói đánh thuế VAT với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất sẽ đẩy giá bán nhà đội lên cao. Vì khi mua nhà đất, nếu tính cả thuế này thì người mua nhà phải nộp thuế chồng thuế: Tiền sử dụng đất, 10% thuế VAT tiền sử dụng đất, 10% chi phí xây dựng và chi phí khác. Nhiều người dân sẽ phải đóng thuế VAT từ lúc mua đất, sau đó mua nhà lại phải nộp thuế VAT. Đây là gánh nặng với người nghèo muốn mua nhà.
“Khi thuế VAT bị đẩy lên sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Hơn nữa, nếu đánh thuế VAT vào đầu năm 2019 có thể cũng sẽ là thời điểm thị trường bất động sản đang trên đà đi xuống. Cộng hưởng những yếu tố này thì chắc chắn bức tranh của thị trường bất động sản có thể sẽ rất ảm đạm” – ông Long nhận định.
Nếu thuế cứ liên tục tăng thì giấc mơ có nhà để ở của người dân ngày càng xa vời. Ảnh: QUANG HUY
Người dân hưởng lợi, Nhà nước mới có thu
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc L&L Group, cho rằng việc Bộ Tài chính bỏ đề xuất áp thuế VAT giải tỏa được tâm lý lo lắng cho các công ty bất động sản lẫn người mua nhà. Vì nếu hoạt động chuyển nhượng phải chịu thêm thuế VAT là 10% và có thể tăng lên 12% theo đề xuất trước đây của Bộ Tài chính thì giá bán sẽ tăng theo tương ứng. Điều này làm dấy lên lo ngại giá nhà đất sẽ tăng sốc.
Đừng để giấc mơ có nhà ở ngày càng… xa vời
Dù bỏ đề xuất đánh thuế VAT đối với sang tên sổ đỏ nhưng Bộ Tài chính vẫn đề xuất tăng thuế VAT các loại hàng hóa tiêu dùng, như vậy nước, điện, xăng dầu… sẽ tăng theo. Gánh nặng thuế vẫn đang treo lơ lửng trên đầu người dân. Do đó cần phải bỏ cả đề xuất tăng thuế VAT với nhiều mặt hàng khác.
Người dân cần một chính sách thuế ổn định, hỗ trợ được người thu nhập thấp, tạo thêm việc làm, tăng được thu nhập. Nếu thuế cứ tăng, thu nhập ngày càng eo hẹp thì giấc mơ có một chỗ để ở tại TP của đa số người dân ngày càng xa vời.
Chị THU HẰNG, quận 12, TP.HCM
“Khi áp thuế VAT thì DN bán hàng gặp rất nhiều khó khăn, vì tăng thuế buộc phải tăng giá, giá cao thì lượng khách hàng đổ tiền đi mua nhà, đầu tư cũng giảm sút. Do vậy bỏ đề xuất áp thuế VAT sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản đang thời điểm rất cần kích cầu này. Chính sách thuế ổn định với thị trường bất động sản sẽ kéo theo hàng loạt ngành khác cũng ổn định theo, giá nhà không biến động thì người đi mua nhà đất cũng nhiều hơn” – ông Minh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rằng khi áp thuế VAT sang tên sổ đỏ, nói chung là tăng thuế với ngành bất động sản sẽ khiến thị trường biến động, tác động dây chuyền lên các ngành khác và hệ lụy cho cả nền kinh tế. Giá nhà tăng dân sẽ thắt chặt chi tiêu, không đi mua nhà thì các công ty bất động sản bán hàng không được, không có lợi nhuận, thậm chí tồn kho, nợ xấu thì Nhà nước thất thu thuế. Thế nên bỏ quy định sang tên sổ đỏ dân sẽ được nhờ.
Theo ông Hiếu, không chỉ bỏ thuế VAT đối với bất động sản mà cũng cần nghiên cứu không tăng thuế VAT với nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Bởi nếu VAT tăng từ 10% lên 12% với hàng loạt mặt hàng như đề xuất của Bộ Tài chính thì không chỉ tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng mà còn tác động gián tiếp tới nhiều nhóm hàng và dịch vụ khác.
Lợi trước mắt, thiệt hại lâu dài
Bộ Tài chính vẫn đề xuất loại một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được ưu đãi thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, dù đây là những hàng hóa thiết yếu của người dân. TS Ngô Trí Long cho rằng điều này cần phải được nghiên cứu thận trọng, bởi nó gây tác động lớn.
Ví dụ: Giá cước vận tải, xăng dầu nếu tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành dịch vụ logistics của DN. Hiện tại chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước trong khu vực và thế giới chỉ chiếm 10%-13% GDP. Nếu tăng thuế VAT đồng nghĩa đẩy chi phí logistics tăng cao hơn khiến DN tăng chi phí, hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh tranh với các nước.
Như vậy, việc tăng thuế VAT sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược: Nhà nước tăng thu được số tiền thuế trước mắt nhưng lại thất thu về sau. Khi sức mua tiêu dùng giảm, DN giảm sản xuất, giảm doanh thu dẫn đến nguồn thu thuế thu nhập DN giảm. Tức lợi trước mắt, thiệt hại lâu dài.