Thuở nọ ở Trung Hoa có một người rất tinh thông sách thánh hiền, ông đã thuộc làu sách của các bậc Trang Tử, Lão Tử từ khi còn nhỏ, cho tới kinh sách nhà Phật khi trưởng thành, nhưng vẫn thấy có nhiều điều khúc mắc còn chưa thể giải thích được.
Nghe tin có vị đại sư rất kì lạ khi đó đang độc cư trên núi cao, ông bèn tìm đến thỉnh giáo cao tăng. Vừa trông thấy đại sư, người này liền cảm nhận được phẩm tính của một bậc đại giác nơi ngài, bèn quỳ xuống xin thưa rằng:
Vị đại sư đáp:
– Đưa tâm con ra đây, ta sẽ an cho!
Người này sững lại một lúc vì quá bất ngờ với câu trả lời, nhưng cũng làm theo lời đại sư thử đi tìm tâm mình, mà tìm hoài không thấy.
– Thưa thầy, con tìm không thấy tâm đâu cả!
Cùng lúc đi tìm tâm mà không thấy, trong lòng ông có một niềm hân hoan kì lạ phát khởi, một cảm giác an lạc vô cùng xưa nay chưa từng có.
– Ta đã an tâm cho con rồi đó! – đại sư nói.
Câu chuyện này là một điển tích nổi tiếng của Thiền Tông, kể về cuộc gặp gỡ giữa sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma – người được cho là kế thừa y bát thứ 28 từ Đức Phật Thích Ca, với học trò xuất sắc bậc nhất của ngài – thiền sư Huệ Khả, tổ thứ hai của Thiền Tông Trung Hoa.
Cũng như sư Huệ Khả trong câu chuyện trên, nhiều khi chúng ta nhận thấy có nỗi buồn xuất hiện trong cuộc đời, rồi sau đó mặc nhiên thừa nhận mình đang buồn bã, tâm mình đang bất an, khiến cho cảm giác tiêu cực xâm lấn ngày một nhiều hơn.
Hầu như không có nào, chúng ta thực sự đối diện nhìn thẳng vào nỗi buồn của chính mình, và thử tìm xem nó thực sự đang ở đâu?
Khi có một cảm xúc buồn bã khởi lên, không ai khác chính bạn là người nhận ra nó đang xâm chiến tâm mình. Nếu ngay lúc này bạn nhìn thẳng vào nó, quan sát nó, bạn sẽ thấy rõ một điều đơn giản thôi: nỗi buồn không ở đó mãi. Đó chính là đặc tính Vô Thường của Tâm.
“Nếu bạn cảm thấy muộn phiền, đừng liên tục than vãn “Tôi đang buồn” với người khác.
Nếu bạn muốn thoát ra khỏi muộn phiền, hãy nhìn thẳng vào nó.
Bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi của nỗi buồn”
Đại đức Hae Min (Hàn Quốc) đã viết như vậy trong một cuốn sách của ông được dịch ra tiếng Việt cách đây ít lâu.
Kỳ thực ai trong chúng ta cũng từng trải qua vô số nỗi buồn và hoàn toàn có thể nhận ra: Không có ai buồn mãi được, cảm xúc vẫn thay đổi thường xuyên. Nỗi buồn đến và đi, xuất hiện và biến mất. Bạn chỉ cần làm duy nhất một việc là nhận ra điều đó.
Khi nhận ra được điều này, ta sẽ thấy nỗi buồn không có quyền quyết định, ảnh hưởng tới bạn được nữa. Và ngay cả khi buồn có trở lại, bạn chỉ cần nhận ra thôi, với tự tính vô thường, nó sẽ tan biến.
Ở vào thời khắc bạn quay về bên trong, đối diện với nỗi buồn và cố tìm xem nó đang ở đâu, như sư Huệ Khả đi tìm tâm mình mà tìm không thể tìm được thứ gọi là “tâm”, thì nỗi buồn của bạn cũng tự nhiên biến mất, bạn không thể tìm thấy một thứ gọi là “nỗi buồn” được nữa. Thời điểm đó chính là lúc bạn đang thực sự sống trong hiện tại.
Nỗi buồn hay cũng chính là những suy nghĩ lo lắng về tương lai, tiếc nuối về quá khứ… chúng đều là những điều cản trở bạn cảm nhận được niềm vui an nhiên của cái “đang là”, chúng là thức ăn nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực lớn lên trong bạn.
Nếu đặt lòng mình vào cái đang thực sự xảy ra, những suy nghĩ của bạn sẽ được nghỉ ngơi. Đó chính là trạng thái “An trú trong hiện tại” mà các thiền sư thường nói tới.
“Nhiều người không thoát ra khỏi ám ảnh quá khứ
Nhiều người khác lại bị trói chặt bởi viễn cảnh tương lai
Phương pháp của đạo Phật là phá tan những ràng buộc như vậy để có tự do trở về sống trong giây phút hiện tại với những nhiệm màu của nó”
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh –