12 dự án “đắp chiếu” ngành Công thương cùng với những sai phạm của PVN liên quan đến đại án OceanBank đã để lại những khoảng trống khổng lồ về nhân sự. Thực tế này mâu thuẫn với khối lượng công việc còn khổng lồ hơn, để giải quyết “tàn dư” của các dự án này.
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động.
Biến động nhân sự mới đây nhất trong các DN thuộc ngành Công thương là việc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có văn bản báo cáo gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch – Đầu tư về việc công bố thông tin bất thường liên quan đến nhân sự.
Theo đó, ông Vũ Thanh Bình (sinh ngày 4-8-1958), thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam sẽ thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc để làm thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Vinapaco. Người thay thế ông Bình là ông Nguyễn Việt Đức, Phó Tổng giám đốc.
Ông Vũ Thanh Bình và một số lãnh đạo của Vinapaco có liên quan đến trách nhiệm để cho nhiều đơn vị thuộc ngành giấy làm ăn thua lỗ trong thời gian dài, như góp hàng chục tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Giấy BBP (Công ty BBP) hiện đang có nguy cơ mất trắng. Nhắc đến Tổng Công ty Giấy, cũng không thể không nhắc đến nhà máy bột giấy Phương Nam – dự án nghìn tỷ đắp chiếu mà hiện nay được cho là “đã thấy ánh sáng cuối đường hầm” – là tìm cách bán thanh lý, sau khi bán đấu giá thất bại.
Trước đó, Tổng Công ty Bia – rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đã có biến động ở ghế Tổng Giám đốc, khi ông Nguyễn Hồng Linh được đề nghị thay thế. Nặng nề nhất là Tập đoàn Dầu khí (PVN) khi ghế Chủ tịch Hội đồng Thành viên đã trống từ đầu tháng 3 – khi ông Nguyễn Quốc Khánh được Thủ tướng quyết định cho thôi giữ chức vụ này.
Ông Khánh sau đó được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo liên quan đến việc ông này chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng; có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học… (4/5 dự án đắp chiếu của PVN). Chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây, liên tiếp nhiều nhân sự của PVN liên quan đến các vụ bắt bớ như Phó Tổng giám đốc Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng Nguyễn Đình Mậu…
Sự thiếu hụt rõ ràng đến mức trong cuộc họp về xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài của ngành, dù lãnh đạo cao nhất của PVN hiện nay là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng Giám đốc, Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên chưa nêu ý kiến gì, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đoán trước được “nhiều vấn đề các tập đoàn có thể sẽ đề cập đến, ví dụ anh Sơn có kiện toàn, củng cố công tác cán bộ”.
Tuy “nhận trách nhiệm cùng các đồng chí, chúng ta sẽ rất sớm có cuộc họp Ban cán sự Đảng bộ” để xem xét vấn đề nhân sự, nhưng ông Trần Tuấn Anh cũng nhắc nhở lãnh đạo PVN “không phải vì đợi công tác cán bộ mà buông xuôi”. “Tôi nói luôn, anh Sơn có vất vả đến mấy đi nữa cũng phải làm” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Tất nhiên, gánh đè lên vai cá nhân ông Sơn và những người còn lại trong tập thể lãnh đạo PVN hiện nay là không nhỏ, khi vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tăng trưởng, vừa có “deadlines” để hoàn thành việc xử lý 5 dự án đắp chiếu.
Chia sẻ hoàn cảnh với ông Sơn là ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) – nơi mà ông Trần Tuấn Anh cho rằng vừa “trải qua một cuộc bể dâu” khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố kết luận liên quan đến vi phạm của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Anh Dũng và một số cán bộ khác. Không chỉ dừng lại ở thiếu hụt nhân sự cấp Tập đoàn, mà theo ông Tường, lãnh đạo của các DN đang khó khăn hiện cũng có vấn đề.
“Nhà máy DAP số 2 mấy tháng đầu năm kết quả sản xuất kinh doanh không được tốt và công tác quản trị cũng rất có vấn đề. Cuối tháng 4, Tập đoàn đã miễn nhiệm tổng giám đốc công ty để thay người khác. Vừa rồi, chúng tôi xuống kiểm tra thì có thấy sinh khí mới cho công ty” – ông Nguyễn Gia Tường cho biết. Cũng theo ông này, nhà máy đạm Ninh Bình cũng có kết quả sản xuất kinh doanh lẹt đẹt, và Vinachem sẽ “xem xét lại vị trí tổng giám đốc để tạo sức mạnh mới cho công ty”.
Hứa sẽ tính phương án cán bộ sớm, cộng với việc sẽ cử nhân sự tại các Cục, Vụ hỗ trợ các tập đoàn này xử lý các dự án đắp chiếu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nếu không tranh thủ cơ hội hiện nay (khi các giải pháp xử lý gần như đã được Chính phủ nhất trí) để giải quyết dứt điểm các dự án này, thì thời gian tới sẽ còn vất vả hơn nữa.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh công tác cán bộ là việc “thực tế thời gian vừa qua chúng ta đã buông lỏng và làm chưa tốt, không phải chỉ ở các dự án tồn đọng mà còn nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty như bia, rượu có hiện tượng nhiều Tổng Giám đốc, Chủ tịch thường xuyên để DN thua lỗ, làm ăn không hiệu quả, không nghiêm trong chấp hành pháp luật, không thực hiện tốt quản trị DN”.
Do đó, ngoài trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Hội đồng Thành viên, Hội đồng quản trị các DN này, ông Trần Tuấn Anh đã “đề nghị Vụ Tài chính và Đổi mới DN phối hợp với Thanh tra bộ và Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp rà soát nhân sự, kể cả các công ty cấp 2, cấp 3 trực thuộc Tập đoàn, Tổng công ty, làm một cách kiên quyết và triệt để thời gian tới, để nâng cao trách nhiệm”.