Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần có cơ chế, giám sát thúc đẩy kế hoạch này để nó được thực thi chứ không phải kế hoạch treo
Đây là một tin vui đối với cộng đồng kinh doanh cũng như quá trình cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã quyết liệt trong vấn đề này. Nếu các Bộ khác cũng đi theo cách tiếp cận trên thì tôi cho rằng nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh sẽ đi được những bước tiến rất dài.
Tuy nhiên, tôi cho rằng muốn thực sự để doanh nghiệp được thụ hưởng những thay đổi thì phải sửa đổi các nghị định. Hiện một số nghị định đang trên bàn của Chính phủ, một số thì đang được rà soát sửa đổi. Dù sao thì cách tiếp cận, cam kết công khai kế hoạch là một nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương. Theo đó, khi CIEM, VCCI đưa ra kết quả khảo sát về điều kiện kinh doanh, thay vì tự ái, phân trần, chỉ trích, Bộ Công thương đã sử dụng những kết quả này như một công cụ tham khảo để thúc đẩy quá trình cải cách.
Việc đưa ra kế hoạch này là không dễ, vì chắc chắn có những lo ngại, băn khoăn từ chính nội bộ, các cục vụ chuyên môn. Vì xưa nay họ vẫn quen như vậy, quen cách thức đặt ra điều kiện kinh doanh. Chính vì vậy việc đơn giản hoá, bãi bỏ như vậy không phải là cách tiếp cận dễ chịu.
Tôi cũng cho rằng cần có cơ chế, giám sát thúc đẩy kế hoạch này để nó được thực thi chứ không phải kế hoạch treo.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng hơn là kiểm soát việc đặt ra các điều kiện kinh doanh. Phiên họp Chính phủ thường kỳ xây dựng pháp luật tháng 8, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ KHĐT soạt thảo Nghị định về kiểm soát quy định điều kiện kinh doanh và tái khởi động lại hoạt động của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư. Như vậy, khi có quy trình kiểm soát, việc đặt ra các điều kiện kinh doanh mới sẽ khó hơn.
Tuy nhiên, những nỗ lực cắt giảm hiện tại vẫn là cần thiết. Nó sẽ tạo ra dấu mốc quan trọng mà tôi tin là nó khiến cho cộng đồng cũng như Người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi: tại sao Bộ Công thương làm được mà các Bộ khác lại không?
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập: Mới có điều kiện cần, chưa có điều kiện đủ
Nếu thực hiện được, tôi cho rằng đây là cải cách lớn nhất về môi trường kinh doanh mà Chính phủ làm được trong 10 năm nay. Tuy nhiên, mọi vấn đề phải đi bằng hai chân, giờ mới chỉ là một chân thôi. Nghĩa là việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh sẽ làm giảm nhanh được các thủ tục phiền toái, giảm được chi phí. Chúng ta cần phải có cải cách để duy trì những thành quá đấy. Bởi không có những thay đổi về thể chế đi kèm thì chỉ một thời gian sau, điều kiện kinh doanh sẽ biến tướng dưới những hình thức khác.
Một quốc gia khi sửa đổi các hệ thống về kinh doanh đều phải làm hai việc: cắt bỏ và cải cách lại hệ thống quy định kinh doanh. Hệ thống quy định kinh doanh gồm hai nét lớn: ban hành và kiểm soát nó.
Tóm lại, tôi cho rằng Chính phủ đã làm được một phần, là điều kiện cần để cải cách các vấn đề kinh doanh, nhưng chưa có điều kiện đủ. Điều kiện đủ là thể chế duy trì những cái đấy. Nếu không cắt rồi sẽ mọc, phải có cơ chế kiểm soát.
Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm, đó là vào năm 2007, Chính phủ có tham vọng dùng dùng 1 nghị định bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh. Để thực hiện nó, từ năm 2000, 1 điều về mặt kỹ thuật luật đã được cài vào, theo đó, chỉ có các cơ quan, Chính phủ, Quốc hội mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng thực chất sau đấy các Bộ ngành đều thoải mái ban hành, không ai cắt.
Đến năm 2006, khi làm Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định kể từ 1/9/2007, nếu những điều kiện kinh doanh nào còn nằm ở cấp Thông tư sẽ tự động hết hiệu lực, mục tiêu “tiêu huỷ” toàn bộ điều kiện kinh doanh trái phép. Nhưng có nghị định lại không ai thực hiện.
Như vậy, nếu lượng mà không đi kèm chất thì sẽ không thành hiện thực được. Tương tự như bây giờ, chúng ta mới bỏ được số lượng nhưng chưa bàn đến chất lượng. Chúng ta mới làm được 1/3 chặng đường.
Bên cạnh đó, ngay cả những điều kiện mà Bộ Công thương sửa đổi cũng không phải cái nào cũng trọn vẹn. Nhiều cái vẫn chưa triệt để, nửa vời, cần tiếp tục mà tiêu biểu như điều kiện kinh doanh về gạo, chưa sửa điểm mấu chốt là về yêu cầu kho, bãi.
Cải cách, thực chất là việc khó, khó hơn nhiều so với việc cắt giảm – vốn là chiến đấu về mặt kỹ thuật, có quyêt tâm là làm được. Sửa đổi hệ thống rất khó, nó là vấn đề phức tạp, chưa có tiền lệ.
Tôi cũng nghĩ rằng để thực sự giải quyết các vấn đề trên, còn cần có sự hỗ trợ của thể chế tư pháp và sự phát triển của các tổ chức dân sự.