TIN MỚI
Thời gian diễn ra hội nghị từ 8-12h, ngày 14/2 theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có công điện gửi các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp tham dự hội nghị.
Các thành phần tham dự hội nghị gồm: Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bất động sản TP.HCM;
Về phía, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gồm: Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA (Novaland), Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Công ty CP Đầu tư IMG, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương).
Được biết, từ giữa năm 2022 đến nay sau khi nhiều doanh nghiệp bất động sản dính sai phạm, cùng với đó thị trường “gãy sóng” đi xuống đã khiến các doanh nghiệp bất động sản chìm trong khó khăn. Không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thực hiện các biện pháp “đau đớn” cắt giảm nhân sự, giảm lương, thu hẹp quy mô, thậm chí vay “nặng lãi” để tồn tại…Đặc biệt, xuất hiện những doanh nghiệp đứng đầu thị trường điêu đứng khi các gói trái phiếu đến hạn không có đủ nguồn tài chính để trả cho khách khiến cho mối quan hệ giữa khách hàng, doanh nghiệp ngày càng căng thẳng.
Thậm chí xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bất động sản càng lớn càng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang cùng lúc triển khai vài chục dự án nhưng toàn bộ các hoạt động bỗng khựng lại, tồn tại leo lắt. “Nếu tình hình đến cuối quý 1 không được cải thiện, chúng tôi cũng không biết tương lai sẽ ra sao”, đại diện một doanh nghiệp trong TPHCM chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, sụt giảm thanh khoản như hiện nay đến từ việc thiếu dòng tiền bao gồm không thể vay ngân hàng, huy động từ trái phiếu, không có doanh thu, không có nguồn cung mới để kích cầu. “Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản cao, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn”.
Trước những khó khăn rất lớn của thị trường, hiện Chính phủ đang nỗ lực gỡ khó khăn cho bất động sản. Chỉ tính riêng từ tháng 11/2022 đến nay, Thủ tướng đã liên tục có những chỉ đạo thành lập tổ công tác, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có những cuộc họp nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản trong vấn đề tín dụng cũng như vốn từ trái phiếu.
(Ảnh: Vũ Nhật).
Hiện Chính phủ cũng đang lấy ý kiến nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Được biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật thuế bất động sản tại 02 kỳ họp: cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025″.
Nam Anh
Nhịp Sống Thị Trường