BMP vừa cập nhật thông tin nới room ngoại, cơ hội ‘thâu tóm’ của đại gia Thái Lan đã đến?

Sau khi được ĐHĐCĐ thường niên thông qua việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nâng sở hữu Công ty lên 100%, ngày 14/6/2017, CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) đã gởi văn bản đề nghị Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) chấp thuận việc nới room.

Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, BMP vẫn chưa được Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) chấp thuận việc nới ‘room’ lên 100%. Nguyên nhân là được UBCK đưa ra là do công ty đang có 2 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện là “ngành kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất (mã ngành 4669) và ngành kiểm tra và phân tích kỹ thuật, chi tiết: giám định, kiểm nghiệm và phân tích ngành hóa chất (mã ngành 7120).

Theo đó, SSC yêu cầu BMP gởi văn bản xin ý kiến của Bộ Công thương về 2 ngành nghề trên. Đến ngày 19/07/2017, văn bản hồi đáp số 6463/BCT-KH của Bộ Công thương trả lời rằng: hạn chế tiếp cận thị trường đối với 2 ngành nghề trên cho đến nay đã hết.

Ngày 24/07/2017, BMP đã gửi văn bản của Bộ Công thương cho SSC. Đến ngày 25/8/2017, thông qua công ty tư vấn HSC, BMP tiếp tục nhận được yêu cầu của SSC về việc BMP cần tiếp tục cung cấp bổ sung các hồ sơ liên quan đến ngành nghề kinh doanh.

Cho đến hôm nay 14/9/2017, BMP công bố thông tin cho biết, BMP đã tiếp tục gửi cho SSC văn bản số 05/CV-BM/TGĐ-2017 vào ngày 06/09/2017 để bổ sung thông tin nhằm hoàn thành việc điều chỉnh tỷ lệ room theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên và kế hoạch thoái vốn khỏi BMP trong năm 2017 của SCIC.

Cụ thể, liên quan đến danh mục hàng hóa (nguyên liệu đầu vào) mà BMP xuất nhập, mua bán, công ty giải trình trong danh mục này không có nguyên liệu, hóa chất nào bị cấm xuất nhập khẩu hoặc phân phối. BMP giải trình rõ thêm như sau: Các loại hóa chất cơ bản mà BMP có thực hiện nhập khẩu, mua bán trong nước như dung môi cyclohexanone và một số nguyên liệu BMP mua trong nước như dầu trắng, dung môi DOP..; các loại hạt nhựa PVC, PE, PP… Công ty cam kết các nguyên liệu, hóa chất này không nằm trong danh mục nhà nước cấm và không thuộc danh mục hạn chế sở hữu nước ngoài theo thông tư 34/2013/TT-BCT.

Với việc bổ sung thông tin trên, khả năng các nhà đầu tư nước ngoài được phép nâng sở hữu tại BMP không còn xa. Trong một diễn biến khác, cổ phiếu BMP bất ngờ tăng trần trong phiên 13/9 với khối lượng giao dịch tăng mạnh khiến giới đầu tư dồn đoán về khả năng BMP sắp hoàn tất thủ tục nới room thêm gần hơn.

BMP là doanh nghiệp luôn trong ở trạng thái “kín room” ngoại trong những năm gần đây kể từ khi Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic – công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan tham gia mua cổ phần BMP. Hiện Nawaplastic đang nắm giữ 20,4% cổ phần tại BMP.

Mới đây, đại diện BMP cũng tiết lộ với báo giới rằng, Nawaplastic Industry đã bày tỏ việc muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP thông qua việc mua cổ phiếu trong đợt thoái vốn của SCIC trong năm nay. Hiện SCIC vẫn đang là cổ đông lớn nhất với hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 29,5%.

Bài viết mới