Bloomberg: Mỗi người dân Thụy Sĩ 'mất' 13.500 USD để cứu lấy Credit Suisse

TIN MỚI

Theo Bloomberg, nỗ lực cứu lấy danh tiếng là 1 trung tâm tài chính đáng tin cậy của Thụy Sĩ có thể tiêu tốn của mỗi người dân nước này 12.500 franc (tương đương 13.500 USD).

Để hỗ trợ thương vụ UBS khẩn cấp mua lại Credit Suisse, chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết sẵn sàng cung cấp thanh khoản với mức 109 tỷ franc – con số khá lớn đối với đất nước 8,7 triệu dân.

Ngoài ra, NHTW Thụy Sĩ (SNB) cũng hứa hẹn về khoản tiền 100 tỷ franc. Như vậy tổng cộng số tiền lên đến 209 tỷ franc – tương đương khoảng 1/4 GDP Thụy Sĩ và vượt quá cả tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu trong năm 2021. Con số còn lớn gấp hơn 3 lần so với gói cứu trợ 60 tỷ franc mà UBS nhận được năm 2008 (vụ giải cứu UBS từng là lớn nhất trong lịch sử Thụy Sĩ).

Không chỉ dành ra số tiền lớn, chính phủ Thụy Sĩ còn thay đổi luật khi bỏ qua bước lấy ý kiến đồng thuận của cổ đông. Để tăng vốn cho ngân hàng, các trái chủ của số trái phiếu AT1 trị giá 16 tỷ franc cũng phải ngậm ngùi chấp nhận trái phiếu mà họ sở hữu trở nên vô giá trị.

Những biện pháp chưa từng có tiền lệ khiến công chúng cảm thấy không thoải mái. Khoảng 200 người đã tụ tập ở bên ngoài trụ sở Credit Suisse tại Zurich để biểu tình phản đối. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng có rất ít khả năng số tiền thực tế sẽ lên đến mức cao như chính phủ cam kết. Hơn nữa nếu không làm gì thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần.

Theo Manuel Ammann, giám đốc Viện Tài chính Ngân hàng trực thuộc ĐH St. Gallen, khoản tiền 100 tỷ franc mà SNB cam kết có lẽ chỉ mang tính biểu tượng để ổn định tâm lý của thị trường. SNB chỉ phải bỏ ra số tiền đó nếu như ngân hàng sau sáp nhập phá sản – điều khó có thể xảy ra. Hơn nữa khoản tiền đó được tài trợ bằng chứng khoán và các đặc quyền phá sản, do đó đảm bảo kể cả trong trường hợp xấu nhất thì cũng không cần sử dụng đến tiền ngân sách.

Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, UBS đã nhận được 6 tỷ franc từ chính phủ và chuyển các tài sản rủi ro trị giá 54 tỷ franc sang 1 quỹ được hậu thuẫn bởi SNB. Mặc dù Thụy Sĩ đã áp dụng luật “quá lớn để sụp đổ” để kiểm soát các ngân hàng chặt chẽ hơn sau khủng hoảng 2008, dường như họ đã thất bại ở Credit Suisse. Kể từ đó đến nay ngân hàng này đã trải qua nhiều vụ bê bối, liên tục thay lãnh đạo cấp cao và cuối cùng đánh mất niềm tin của nhà đầu tư.

Luật Thụy Sĩ quy định những ngân hàng có vai trò quan trọng đối với hệ thống phải thay đổi cấu trúc thành công ty holding (mô hình gồm công ty mẹ và nhiều công ty con). Mục đích là để tăng tính minh bạch và bảo vệ mảng kinh doanh ở thị trường nội địa. Theo lý thuyết, tất cả các mảng khác sẽ bị thanh lý để ngăn chặn rủi ro đe dọa hệ thống tài chính Thụy Sĩ.

Tuy nhiên vừa qua chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định không làm như vậy, mà thay vào đó hối thúc UBS mua lại Credit Suise. Theo Ammann, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một trong những trung tâm tài chính cao cấp nhất thế giới của Thụy Sĩ.

“Giờ thì cả 2 ngân hàng nổi tiếng nhất là UBS và Credit Suisse đều đã phải nhờ chính phủ giải cứu. Đó thực sự là 1 lịch sử không tốt”, ông nói.

Tham khảo Bloomberg

Credit Suisse: Hành trình từ niềm tự hào của Thụy Sĩ đến cái kết buồn cho biểu tượng 166 năm tuổi

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới