Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam lấy lại ngôi vương, trên đà vượt đỉnh lịch sử

Những ngày giao dịch khởi sắc sau Tết Nguyên đán đã giúp Thị trường Chứng khoán Việt Nam lấy lại vị thế dẫn đầu châu Á. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu. Theo 10 chiến lược gia được Bloomberg khảo sát, đà tăng trưởng mạnh mẽ có thể giúp VN Index vượt đỉnh lịch sử, được xác lập vào tháng 3/2007.

Việt Nam cũng trở thành miền đất hứa cho các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới trong khi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn rất cao bất chấp những bất ổn gần đây trên thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu trong suốt tháng 2 ngay cả khi họ đã thu về 14 tỷ USD từ 9 thị trường chứng khoán châu Á.

Ông Thang Uong, người quản lý danh mục đầu tư 1 tỷ USD tại Công ty Quản lý quỹ Manulife (Việt Nam), cho biết: “Tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tốt hơn, ở mức 20 tới 25%, không chỉ nhờ các công ty đã niêm yết mà còn ở những công ty mới lên sàn. Chúng tôi rất lạc quan trong năm nay”.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương tự năm ngoái, đạt mục tiêu 6,7% của chính phủ. Mức tăng bình quân trên mỗi cổ phiếu trên VN Index dự kiến đạt 15% trong năm tới.

Bloomberg: Chứng khoán Việt Nam lấy lại ngôi vương, trên đà vượt đỉnh lịch sử - Ảnh 1.

Chứng khoán Việt Nam đang trên đà vượt đỉnh lịch sử tháng 3/2007.

Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, mức tăng mạnh thứ 2 ở Đông Nam Á chỉ sau Philippines.

Triển vọng tăng trưởng cùng những nỗ lực đẩy nhanh cổ phần hóa tại các công ty nhà nước đã giúp giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gần gấp đôi lên 172 tỷ USD trong năm qua. Chỉ số VN Index tăng 13% kể từ đầu năm đến ngày 26/1 nhưng những biến động mạnh trong hai tuần sau đó khiến phần lớn thành quả bị thổi bay. Dẫu vậy, những ngày giáp Tết và sau Tết, chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng trở lại và đang trên đà vượt đỉnh lịch sử.

Trong năm 2017, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước ở các công ty lớn, trong đó không thể không kể đến hai thương vụ bán cổ phần tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Bên cạnh đó, giá trúng trong các phiên thoái vốn năm 2017 cũng rất cao, với nhiều phiên có giá trúng cao gấp từ 2 đến 4 lần so với mệnh giá. Thống kê năm 2017 cho thấy có đến hơn 30% số phiên thoái vốn có giá bình quân gấp từ 1,5 đến 2,5 lần so với giá khởi điểm.

Quỹ đầu tư Thụy Điển dự báo TTCK Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2018, vượt trội so với nhiều thị trường mới nổi

Bài viết mới