Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 22/11, TTCK Việt Nam đã bứt phá mạnh với chỉ số VN-Index vượt 930 điểm, lập đỉnh 10 năm. Và không chỉ riêng thị trường Việt Nam, phiên hôm nay chứng khoán châu Á cũng đã tăng điểm mạnh mẽ để lập đỉnh lần thứ 2 kể từ đầu tháng đến nay.
Đóng cửa, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương chạm mốc cao nhất kể từ 2007. Sau tuần tệ nhất trong 7 tháng, chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản tiếp tục tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp. Đặc biệt, chỉ số Hang Seng của TTCK Hồng Kông lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trở lại đây vượt qua cột mốc 30.000 điểm nhờ các cổ phiếu năng lượng và ngân hàng của các công ty đến từ đại lục. Trên TTCK Ấn Độ, nhà đầu tư nước ngoài đang mua vào mạnh nhất kể từ tháng 3.
Kể từ đầu năm đến nay chứng khoán châu Á đã tăng trưởng vượt trội so với chứng khoán Mỹ và châu Âu với mức tăng 32,6% tính đến ngày 31/10. Đóng góp lớn nhất là các cổ phiếu Trung Quốc như China Evergrande Group hay Sunac China Holdings. Cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Tencent đã tăng hơn gấp đôi, giúp nó vượt qua Alibaba để trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Trung Quốc vượt mốc 500 tỷ USD giá trị vốn hóa.
Đà tăng trưởng quá mạnh của TTCK châu Á có thể làm dấy lên lo ngại rằng mức giá đang dần trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, trong báo cáo Asia Investment Outlook mới được công bố, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đã đưa ra nhận định “thời điểm hiện tại không phải là quá muộn để tham gia vào bữa tiệc” bởi thị trường vẫn còn dư địa để tăng trưởng trong năm 2018 dù mức tăng sẽ thấp hơn so với 2017.
Theo Andrew Swan, người phụ trách thị trường châu Á và mới nổi tại BlackRock, châu Á được hưởng lợi lớn từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, giúp triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sáng sủa hơn. Bên cạnh đó đồng USD yếu (và được dự báo sẽ chưa thể hồi phục nhiều trong năm 2018) cũng tăng thêm lợi thế cho châu Á.