Theo đó trên địa bàn TP. Phan Thiết, lãnh đạo UBND tỉnh giao sở chức năng mời làm việc, yêu cầu chủ đầu tư của 12 dự án có văn bản cam kết tiến độ triển khai trong thời hạn 6 tháng tới (đến hết tháng 11/2018).
Các dự án nằm trong danh sách này bao gồm: KDL Thiên Thanh, KDL Đông Hải, KDL Biển Đông, KDL Thăng Long, KDL Bình Tây, KDL Trường Hải, KDL Hữu Lợi, KDL Hòn Rơm Xanh, KDL Hòn Rơm Đông, KDL Biển San Hô, KDL Khách sạn – Nhà hàng của Công ty CP Đức Thành, Làng nghỉ dưỡng Hoa Sen.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm trong trường hợp các chủ đầu tư những dự án nêu trên không hợp tác hay cố tình né tránh, không liên hệ được, không triển khai thi công… đơn vị này sẽ đề xuất UBND tỉnh xem xét, thu hồi dự án.
Riêng các dự án như: KDL Aquaba, Khu vui chơi giải trí và du lịch Suối Cát, Sở này đề nghị Cục Thi hành án chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm mời chủ đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan làm việc. Thông qua đó tiến hành trao đổi cụ thể để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, tạo điều kiện khởi động lại dự án, đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Một dự án nằm trên trục đường Trần Phú, ven bờ biển đẹp ngay thành phố Phan Thiết, sau nhiều năm triển khai vẫn còn dang dở.
Tại huyện Bắc Bình, các dự án bị “điểm danh” gồm: Tổ hợp Thể thao – Dịch vụ – Du lịch Hòa Thắng, KDL Sinh thái San Francisco Bay, dự án Trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ và kết hợp sinh thái, KDL Sinh thái Delverton.
Riêng dự án KDL Bàu Trắng – Hòn Hồng (Công ty CP Thái Vân làm chủ đầu tư), UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch – Đầu tư đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giao Sở Xây dựng hướng dẫn và giải quyết nhanh các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Tương tự trên địa bàn huyện Tuy Phong, các dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi gồm: KDL Hoàng Long, KDL Hải Yến, KDL Sinh thái Tân Đại Dương. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các chủ đầu tư nhằm yêu cầu thực hiện cam kết tiến độ triển khai để làm cơ sở theo dõi, kiểm tra, xử lý…
Tại khu du lịch thuộc huyện La Gi, UBND tỉnh giao vừa Sở Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục phối hợp sở, ngành liên quan và UBND thị xã làm việc với chủ đầu tư nhằm thống nhất hướng giải quyết, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Đồng thời yêu cầu phải có văn bản cam kết tiến độ với các dự án đang chậm như: KDL Sinh thái biển, KDL Sài Gòn – Hàm Tân, KDL Ngọc Vĩnh, KDL Eden. Ngoài ra, UBND thị xã La Gi chủ trì làm việc với chủ đầu tư dự án KDL Cam Bình (Công ty TNHH Du lịch Cam Bình) làm rõ năng lực, tâm huyết để qua đó đề xuất hướng xử lý cụ thể…
Trong khi đó huyện Hàm Tân có 3 dự án gồm KDL Nghỉ dưỡng Đức Tâm, KDL Sinh thái Tân Việt Phú, KDL Sinh thái Cát Vân cũng được tỉnh này yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ triển khai đến hết tháng 11/2018. Đây là cơ sở để Sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND huyện Hàm Tân theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và trong trường hợp thực hiện không đúng nội dung cam kết sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn Bình Thuận có gần 400 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 56.500 tỷ đồng (có 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 13.060 tỷ đồng). Các dự án du lịch ven biển của tỉnh được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Song song dó, trên địa bàn tỉnh còn có 40 dự án trên nhiều lĩnh vực cam kết đầu tư trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực du lịch và dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 126.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến – Mũi Né quy mô 198 ha với tổng vốn tạm tính gần 500 triệu USD và nhiều khu du lịch khác sẽ hình thành trong tương lai.