Dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định do Tập đoàn PNE đề xuất có công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh do Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) đăng ký đầu tư.
Được biết, dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định do Tập đoàn PNE đề xuất với tổng công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.
Đến tháng 4/2022, Tập đoàn PNE đã trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu cho UBND tỉnh Bình Định. Theo đó, dự án sẽ xây dựng từ 154-166 tuabin gió, với tổng công suất lên đến 2.000 MW.
Dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa
Theo UBND tỉnh Bình Định, kế hoạch được ban hành nhằm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các công việc có liên quan đến quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án.
Cụ thể, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 12 nội dung thực hiện bao gồm chuẩn xác vị trí, khu vực đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi; thực hiện các thủ tục về nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió; đề xuất cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định; giải quyết các nội dung liên quan đến chồng lấn Khu bến cảng Phù Mỹ, Khu bến cảng Long Sơn, tuyến vận tải biển, hoạt động quốc phòng và các quy hoạch có liên quan.
Đề xuất đưa khu vực phát triển điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Sau khi có văn bản chấp thuận cho tỉnh Bình Định thực hiện cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, 15 nội dung được triển khai thực hiện như xin giấy phép đo đạc, điều tra khảo sát, đánh giá tài nguyên biển và các thủ tục khác có liên quan để nhà đầu tư hoàn thành công tác nghiên cứu, khảo sát theo quy định.
Đồng thời, thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng và các thủ tục khác có liên quan để nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án theo đúng quy định của pháp luật…
Mục tiêu cuối cùng hướng đến là hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan để nhà đầu tư khởi công xây dựng dự án.
Theo đó, một số nội dung dự kiến hoàn thành trong năm 2024 như đề xuất cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định; giải quyết các chồng lấn về các khu quy hoạch trên biển, quy hoạch chung Khu kinh tế, Khu bến cảng Phù Mỹ, Khu bến cảng Long Sơn; đề xuất kéo dài thời gian đo gió.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị UBND TP Quy Nhơn và UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát phối hợp với nhà đầu tư đề xuất vị trí xây dựng trạm biến áp nâng áp và hướng tuyến đường dây để đấu nối dự án vào hệ thống lưới điện quốc gia.
Đối với nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Tập đoàn PNE chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để được xem xét hồ sơ, giải quyết các vấn đề có liên quan trong việc triển khai phát triển dự án; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc cho Sở Công thương và các cơ quan liên quan để xem xét giải quyết.