TIN MỚI
PMI sản xuất (màu đen) và PMI phi sản xuất (màu đỏ) của Trung Quốc đều đang ở mức cao nhất hơn 1 thập kỷ qua.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết Chỉ số quản lí thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng lên 52,6 trong tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. Trong khi đó, PMI phi sản xuất cũng tăng lên 56,3. Cả hai chỉ số này đều tăng vượt so với kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Các chỉ số PMI cung cấp dữ liệu toàn diện đầu tiên về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ hồi cuối năm ngoái. Hiện tại, làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã giảm bớt và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các số liệu này cũng góp phần cung cấp thêm “bằng chứng” về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giúp các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có một vị thế tốt hơn ngay trước kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tuần tới – nơi mục tiêu tăng trưởng mới sẽ được công bố.
Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, cho biết: “Mặc dù có các yếu tố theo mùa và sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới các số liệu PMI nhưng xu hướng chung vẫn cho thấy sự phục hồi vững chắc vào đầu năm 2023. Các Chỉ số PMI cao cũng sẽ giúp Chính phủ Trung Quốc đưa ra những chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa nhằm củng cố sự phục hồi của nền kinh tế”.
Số liệu mới đã tạo ra sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như thúc đẩy sự phục hồi của giá cả hàng hóa. Hang Seng Index tăng 3% trong khi đồng tệ ở nước ngoài tăng 0,3%. Dầu WTI tăng 0,5%. Đồng ở Sàn giao dịch Kim loại London cũng tăng 0,5%. Nhôm và quặng sắt cũng tương tự.
Chỉ số PMI sản xuất được cải thiện cũng cho thấy sự phục hồi trở nên cân bằng hơn sau khi lĩnh vực này bị tụt lại do xuất khẩu giảm, niềm tin vào kinh doanh yếu và trùng với Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng lưu ý hiện thực rằng nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức thấp và xuất khẩu có thể sẽ giảm trong năm 2023 này.
Các dữ liệu khác đã báo hiệu sự gia tăng nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Doanh số bán nhà ở nước này đã tăng trong tháng 2 so với 1 năm trước đó. Đây là lần đầu tiên doanh số bán nhà của Trung Quốc tăng kể từ tháng 6/2021. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn cũng gia tăng, lượng người đi tàu điện ngầm đã quay trở lại mức trước dịch và chi tiêu cho nhà hàng cùng các trung tâm thương mại đang tăng lên.
Zhao Qinghe của NBS nhận định, kỷ nguyên Covid-19 đã chính thức kết thúc. Các biện pháp ổn định tăng trưởng nội địa của Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực.
Sự phục hồi của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy sản xuất ở các khu vực khác tại châu Á. PMI của Thái Lan, Việt Nam và các nhà sản xuất khác trong Đông Nam Á đã tăng trong tháng trước. Ở Bắc Á, bức tranh hỗn loạn hơn. PMI sản xuất của Nhật Bản giảm trong khi PMI của đảo Đài Loan (Trung Quốc) tăng dù vẫn ở dưới 50.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cam kết ưu tiên tăng trưởng trong năm nay, nhấn mạnh vào vai trò của nhu cầu nội địa trong việc thúc đẩy phục hồi. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cho biết rằng họ sẽ đưa ra những hỗ trợ bền vững cho nền kinh tế thực nhưng sẽ không có những gói kích thích ồ ạt.
Bộ trưởng Tài chính Liu Kun thì cho biết sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ dẫn đến sự cải thiện về điều kiện tài chính của các chính quyền địa phương. Trung Quốc sẽ mở rộng chi tiêu tài khóa năm 2023 ở mức vừa phải để đảm bảo mức đầu tư chung của chính phủ sẽ không giảm.
Tham khảo: Bloomberg
Trung Quốc: Nợ của nhiều địa phương tăng mạnh, thiếu dư địa để kích thích kinh tế
Linh Anh
Nhịp sống Thị trường