Bí thư TPHCM: “Nguồn lực đi ngang cửa mà chủ doanh nghiệp không chào nên họ đi luôn”

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng là một trong 7 chương trình đột phá. Và để Thành ủy đánh giá đúng thì phải nghe ý kiến các nhà khoa học và các doanh nghiệp. Sẽ không có giấy khen, bằng khen nhưng người dân thành phố ghi nhận các đóng góp của các nhà khoa học”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn nhận được những nhận định có tính định lượng giúp TP về xu hướng phát triển, mức độ cạnh tranh, nhận định cái nào làm đúng cần phải quyết liệt làm, cái nào chưa đúng cần phải cảnh báo nguy cơ. Qua đó mong muốn nhận thêm các giải pháp mới để thành phố phát triển tốt hơn nữa.

Theo đánh giá của ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, sau gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng được yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế nhìn chung chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tăng chậm; chính sách khuyến khích khoa học công nghệ chưa phát huy tối đa hiệu quả; sự gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động chưa bền vững; cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển biến tích cực nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sức cạnh tranh chưa tăng nhiều.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP cho rằng, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, TP cần tiếp cận bước cơ bản mô hình đô thị thông minh. Chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình hiệu quả, đổi mới, sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn với ba nội dung là công nghệ và cơ sở hạ tầng, con người, thể chế. Định hướng phát triển của TPHCM hiện nay vẫn chưa rõ nét nên làm thì nhiều mà hiệu quả chưa cao.

Về cơ bản, các nhà khoa học cho rằng những yếu tố mang tính cốt lõi, động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của TP giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo cần tập trung và xoay quanh 3 nhóm yếu tố gồm: Khu vực kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về năng suất lao động, ai cũng nghĩ Việt Nam là rất kém nhưng không phải vậy. Yếu tố công nghệ tác động hết, một kỹ sư cơ khí giỏi nhưng đi cày bằng trâu thì cũng không có năng suất, ông ấy phải lên máy cày mới phát huy được. Chất lượng người lao động phải đi kèm với công nghệ mới thực sự cải thiện được tình hình hiện tại.

Góp ý cho vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nguồn lực khoa học công nghệ là rất nhiều nhưng nó không đi thẳng vào doanh nghiệp. Nguồn lực này chỉ đi ngang qua cửa mà chủ doanh nghiệp không chào nên họ đi luôn. Nguồn lực tại chỗ là rất lớn nhưng lại không được tương tác với doanh nghiệp. Cần phải xem lại vì sao 40 năm qua đều cho rằng công nghệ là mũi nhọn mà các doanh nghiệp lại không coi điều này là quan trọng? Cần phải có cuộc cách mạng trong tư duy để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau chứ không nên lãng phí.

Doanh nghiệp kêu hải quan ‘một cửa nhưng nhiều khóa’

Bài viết mới