Từ xa xưa, trường thọ đã trở thành mục tiêu theo đuổi cả đời của không ít bậc quân vương. Ngày nay, với sự phát triển của y học và sự đi lên của chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ đã không chỉ còn là “chuyện trong mơ”.
Mới đây, các chuyên gia sức khỏe Hoa Kỳ đã tổng kết 7 bí quyết sống lâu của những cụ ông, cụ bà đã có số tuổi dài hơn một thế kỷ. Điều đáng nói nằm ở chỗ, đây đều là những bí quyết trường thọ này lại hết sức thiết thực, đơn giản và dễ thực hiện.
Bí quyết 1: Không ăn nhiều vào buổi tối
Tâm sự về bí quyết sống khỏe, sống lâu của mình, cụ ông 106 tên là Stanislav Cowasbas đã từng chia sẻ trong buổi phóng vấn với tờ Daily Mail rằng:
“Đừng ăn quá nhiều vào buổi tối, nếu không bạn sẽ dễ bị bệnh”.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng cao dầu mỡ, calorie vào buổi tối sẽ khiến chất béo trong cơ thể bị lắng đọng chứ không được tiêu hao. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Từ đó có thể thấy, chế độ ẩm thực và thời gian ăn uống là hai yếu tố có rất nhiều tác động đối với cơ thể con người, đặc biệt là người cao tuổi.
Bí quyết 2: Biến vận động thành nếp sinh hoạt hằng ngày
Cụ bà Ida Keeling đã đạt kỷ lục thế giới với thành tích chạy 100 mét nhanh nhất trong số những người sống trên 100 tuổi. (Ảnh: Nguồn Internet).
“Mỗi ngày đều tập thể dục là thông lệ thường ngày trong cuộc sống của tôi!” Đó là lời chia sẻ ngắn gọn của cụ bà Ida Keling khi trả lời phỏng vấn của tờ The NewYork Times.
Theo đó, cụ bà 101 tuổi này đã coi việc tập thể dục như một nhu cầu sinh hoạt tất yếu hằng ngày. Trải qua thời gian, thói quen vận động đều đặn mỗi ngày sẽ gia tăng số lượng kết nối của não bộ và nâng cao công năng của cơ quan này.
Đặc biệt, vận động thể lực một cách vừa phải sẽ duy trì sự săn chắc của bắp thịt, nâng cao sức đề kháng và làm chậm quá trình lão hóa .
Bí quyết 3: Luôn phấn đấu không ngừng vì mục tiêu
Tích cực vận động và không ngừng phấn đấu vì những mục tiêu trước mắt đã giúp bà Ida Keeling vượt qua mọi giới hạn về tuổi tác. (Ảnh: Nguồn Internet).
Trả lời phỏng vấn của The NewYork Times về bí quyết sống trường thọ, cụ bà Ida Keeling còn đúc kết thêm bằng một câu nói ngắn gọn, súc tích:
“Tôi chỉ hướng tới mục tiêu trước mắt chứ không quay đầu nhìn về quá khứ!”
Bà Ida Keeling thường tự đặt ra cho cuộc sống của mình những mục tiêu thiết thực. Cụ bà thường bắt đầu từ những việc đơn giản để từ từ chinh phục mục tiêu của mình, sau đó tiếp tục tiến tới những mục tiêu khó khăn hơn.
Ví dụ, nếu muốn tham gia chạy giải marathon đường dài vào dịp tới, bạn hãy duy trì chạy bền 2-3 lần mỗi tuần để từ từ rèn luyện thể lực.
Tương tự như vậy, nếu mong muốn giảm 8kg trong thời gian ngắn nhất, bạn nên đều đặn tập các bài tập với cường độ cao vào hằng tuần, hằng ngày.
Bí quyết trường thọ của cụ bà Ida Keeling chính là thực hiện mục tiêu nhỏ trước, mục tiêu lớn sau, từ đó hình thành động lực giúp bản thân phấn đấu chinh phục những điều to lớn hơn.
Bí quyết 4: Luôn giữ thái độ tích cực
Thái độ tích cực với nụ cười luôn thường trực trên môi đã giúp cụ bà Lauretta Taggert sở hữu số tuổi thách thức thời gian. (Ảnh: Nguồn Internet).
Trong một cuộc chia sẻ với tờ USA Today, cụ bà 100 tuổi Lauretta Taggert đã tâm sự về quan niệm sống của mình:
“Làm việc một cách khiêm tốn với thái độ tích cực, luôn biết ơn thế giới xung quanh”.
Bà Lauretta cho rằng, tâm tình là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Diện mạo tinh thần của chúng ta có mối liên hệ mật thiết với công năng tim, phổi, chất lượng giấc ngủ,…
Bởi vậy, luôn giữ tâm trạng vui vẻ, nhiệt tình, thường xuyên quan tâm đến người khác sẽ giúp bạn mở ra cánh cửa trong tâm hồn mình, làm phong phú hơn thế giới nội tâm, đồng thời tăng cường sức sáng tạo và thắt chặt các mối quan hệ xã hội.
Bí quyết 5: Bồi đắp mối quan hệ gia đình
Số tuổi ấn tượng và những bí quyết dưỡng sinh quý giá của cụ bà Susannad Mushatt Jones đã được thế giới ghi nhận.(Ảnh: Nguồn Internet).
“Gia đình đem lại cho tôi niềm hạnh phúc vô bờ”. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, cụ bà 116 tuổi Susannah Mushatt Jones đã gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng câu trả lời xúc động ấy.
Đó cũng chính là nội dung của triết lý sức khỏe được nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard là Robert Waldinger hết sức ủng hộ.
Là trưởng phòng thí nghiệm phát triển dành cho người trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, ông Robert đã từng tiến hành một cuộc khảo sát theo dõi hàng trăm người đàn ông Mỹ trong khoảng thời gian 75 năm để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người.
Theo đó, Robert nhận định rằng, việc hình thành và củng cố các mối quan hệ tốt sẽ giúp mọi người khỏe mạnh và sống lâu hơn, đặc biệt là quan hệ gia đình.
Bí quyết 6: Bảo vệ chất lượng giấc ngủ
Chăm sóc giấc ngủ kỹ lưỡng là một trong những yếu tố giúp cụ bà Misao Okawa dường như được thời gian “bỏ quên”. (Ảnh: Nguồn Internet).
Cũng từng tham gia trả lời phỏng vấn của tờ Daily Mail, cụ bà 117 tuổi Misao Okawa đưa ra nhận định:
“Ăn ngon, ngủ ngon thì ắt sống thọ”.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã từng khẳng định giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng miễn dịch, sự trao đổi chất, sự tăng trưởng của cơ bắp, khả năng ghi nhớ và nhiều chức năng sinh lý khác.
Một giấc ngủ sâu chỉ là vấn đề khó khăn đối với những người bị mất ngủ kinh niên hoặc gặp phải các vấn đề về tâm lý. Còn đối với người bình thường, ngủ 7-8 tiếng một ngày vừa là điều cần thiết, vừa là bước dưỡng sinh “nằm trong tầm tay”.
Bí quyết 7: Nuôi dưỡng những sở thích lành mạnh
Cụ bà 104 tuổi Mary Louise từng không ngần ngại chia sẻ với một tờ tạp chí thời trang nổi tiếng Hoa Kỳ về sở thích “sống tối giản” của mình.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, những sở thích lành mạnh sẽ kích thích cơ thể tìm tòi ra những cái mới. Các kinh nghiệm mới này sẽ kích thích não theo một cách đặc biệt, từ đó tạo điều kiện để cơ thể hình thành một môi trường mới có lợi cho sự phát triển của các tế bào não mới.
Những sở thích tích như chơi thể thao, chơi nhạc cụ, đọc sách,… cũng có khả năng kích thích các giác quan, nâng cao sức khỏe và bồi dưỡng tinh thần.
Lời kết
Không ăn quá nhiều, vận động thường xuyên, đặt ra mục tiêu, thân thiện với mọi người, ngủ đủ giấc và bồi dưỡng sở thích đều là những việc làm không còn xa lạ, cũng không hề khó khăn đối với mỗi chúng ta.
Vậy nhưng, những việc làm tưởng như rất đỗi bình thường ấy lại chính là “chìa khóa vàng” giúp các cụ ông, cụ bà trong bài viết sở hữu tuổi thọ lên tới hơn một thế kỷ.
Bởi vậy, đừng ngần ngại thêm ngay những việc làm này vào đời sống hằng ngày của bạn cùng gia đình để bắt đầu một năm mới mạnh khỏe về thể chất, phong phú về tinh thần.
*Theo Sina