Sẽ không thể có một nền giáo dục được ngưỡng mộ nếu như không tồn tại một đội ngũ giáo viên giỏi. Ở Phần Lan, người ta coi những thay đổi trong công cuộc trồng người là một cuộc cách mạng từ ‘dưới lên’, chứ tuyệt nhiên không phải là từ ‘trên xuống’ : Nền giáo dục tốt xuất phát từ các trường học tốt, lớp học tốt và cơ bản nhất là từ những người giáo viên thật nhiệt thành.
Việt Nam thi Sư Phạm 6 điểm/môn là đỗ, Phần Lan khó như tuyển dụng tập đoàn đa quốc gia
Hiếm có một đất nước nào lại tôn trọng những người ‘gõ đầu trẻ’ như Phần Lan. ‘Hot’ như vậy nên đầu vào ngành Sư Phạm tại Phần Lan cũng thuộc vào hàng khó nhất trong các ngành học.
Nếu như bạn vẫn quen với câu chuyện được 6 điểm/môn là đỗ Đại học Sư Phạm ở Việt Nam thì hãy đọc quy trình tuyển lựa và đào tạo những người ‘gõ đầu trẻ’ ở Phần Lan dưới đây và đừng cảm thấy shock.
Thi vào Sư Phạm ở Phần Lan rất khó. Khó vì trọng trách của những thầy cô giáo đối với tương lai đất nước là rất cao cả
Kỳ tuyển sinh vào các khoa Sư Phạm thường gồm 3 vòng. Ở vòng 1, các thí sinh được đưa cho một cuốn sách để đọc. Ngay sau đó, họ sẽ thi viết về chính nội dung trong cuốn sách. Kiểu thi này sẽ kiểm tra thí sinh khả năng tiếp nhận vấn đề thật nhanh nhạy.
Qua vòng 1 đến vòng 2, thí sinh được chia nhóm để soạn một giáo án ngắn dạy một nội dung theo yêu cầu. Và ở đây, không còn là câu chuyện giáo án tốt đến đâu, giám khảo sẽ còn quan sát cả cách các thí sinh thể hiện khi làm việc nhóm để đánh giá.
Người quá rụt rè tất nhiên khó lòng được điểm cao, những kẻ thích thể hiện, lấn lướt người khác cũng sẽ bị loại đầu tiên. Là không sai khi nói kỳ thi vào ngành Sư Phạm ở Phần Lan khá giống với những vòng tuyển dụng vào các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam, ví dụ như các công ty kiểm toán Big4 – nơi cũng có một vòng thi phỏng vấn nhóm tương tự.
Đối với người Phần Lan, điều đó không sao cả! Họ quan niệm ứng viên lý tưởng phải là người biết cách khơi gợi tiềm năng, truyền cảm hứng cho người khác, điều tiết cái tôi của con người… Không chỉ các nhân viên cao cấp, những người thầy cô giáo cũng cần những tố chất này, bởi thế hệ họ đang đào tạo sẽ là tương lai đất nước Phần Lan.
Sau vòng 2 là đến vòng 3 – phỏng vấn cá nhân để khai thác cá tính, động cơ nghề nghiệp của các thí sinh. Có rất nhiều bạn trẻ tuy dễ dàng vượt qua 2 vòng thi trước nhưng rút cục đã phải dừng bước trước những thử thách kĩ năng của vòng 3 này.
Hoặc đôi khi, thí sinh phải từ bỏ đơn giản chỉ vì lời khuyên thật lòng của giám khảo: “Tính cách em không hợp với nghề này”. Đối với người Phần Lan, thầy cô giáo tốt trước nhất ở cái tâm, sự phù hợp để ươm mầm con trẻ, sau đó mới là kiến thức.
‘Gõ đầu trẻ’ tại Phần Lan: 90% giáo viên trụ lại với nghề cả đời, người làm nghề khác cũng thèm muốn làm Sư Phạm
Qua 3 vòng tuyển lựa, các thí sinh bắt đầu quá trình học tập gian khổ. Họ phải học đến 5 – 6 năm, phải lấy được bằng thạc sĩ thì mới chính thức được đứng bục giảng ‘gõ đầu trẻ’.
Tất nhiên, thời gian học dài như vậy cũng tương đương với một chương trình đào tạo chất lượng. Ở các trường Đại học ở Phần Lan, các khoa Sư Phạm luôn gắn bó chặt chẽ với các trường phổ thông trên địa bàn, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với thực tế giảng dạy ngay khi còn đi học.
Sinh viên Sư Phạm cũng được đào tạo những kĩ năng rất đặc biệt để khi ra trường, họ có thể áp dụng một triết lý giáo dục rất linh hoạt, có thể đào tạo mọi ‘ca học sinh’ khó mà không cần bất kỳ ai ‘cầm tay chỉ việc’.
Những sự thật trên đã dẫn đến thống kê tuyệt vời về giáo dục Phần Lan: Hiếm có sinh viên ngành Sư Phạm nào bỏ học hay chuyển ngành, trong khi sinh viên ngành khác muốn chuyển vào Sư Phạm nhiều vô kể.
Có tới 90% giáo viên Phần Lan trụ lại với nghề cả đời. Thậm chí, có những người vốn làm những nghề khác nhưng rút cục lại đi học lại để được trở thành giáo viên. Ví dụ, có nhiều người dù trượt kỳ thi đầu vào năm nay nhưng vẫn kiên trì đi làm thêm ở các trường học để có va chạm thực tế, với hy vọng năm sau thi lại và sẽ thuyết phục được Hội đồng tuyển sinh.
Triết lý đáng ngưỡng mộ: Không trường chuyên lớp chọn, giáo dục là khai phóng!
Tuyển chọn đào tạo gắt gao nên nền giáo dục Phần Lan đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào giáo viên. Họ được toàn quyền chọn tài liệu giảng dạy (Phần Lan không có bộ sách giáo khoa bắt buộc nào mà là nhiều bộ cùng lưu hành), phương pháp giảng dạy, kế hoạch giảng dạy mà họ thấy hợp lí.
Miễn sao, họ đảm bảo được tinh thần giáo dục Bộ Giáo dục Phần Lan đề ra… Một người giáo viên Phần Lan sẽ không phải dạy đuổi theo chương trình, không có chuyện đến tuần 5, tiết 1 nhất định phải dạy đến bài A, hay trong bài A nhất định phải có đủ 4 ý abcd theo quy định cứng nhắc. Họ quan niệm rằng giáo dục là khai phóng con người, tại sao lại cứ phải bó buộc?
Được chủ động trong phương pháp giảng dạy, các thầy cô giáo Phần Lan cũng đứng top trong bảng xếp hạng niềm tin nơi các vị phụ huynh
Những người tâm huyết với nghề này sau đó được tỏa về khắp những vùng miền của đất nước. Điều thú vị là giáo dục Phần Lan nói không với các ‘trường điểm’, ‘trường chuyên’, đội ngũ giáo viên rất đồng đều chất lượng và chính là chìa khóa để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa của Phần Lan có thể thiệt thòi hơn trẻ thành thị về vui chơi giải trí, nhưng chắc chắn nền tảng giáo dục chúng có được qua trường phổ thông không hề thua kém bạn bè đồng trang lứa ở thủ đô Helsinki. Một hệ thống giáo dục bình đẳng cho mọi người, bất chấp họ ở đâu, giàu hay nghèo, tại giai tầng xã hội nào là mục tiêu Phần Lan đeo đuổi.
Vĩ thanh: Thế nào thực sự là ‘cô giáo như mẹ hiền’, và thế nào là đẳng cấp của một nền giáo dục?
Để kết lại, xin dẫn ra đây những dòng mà một người Việt sống tại Phần Lan đã chia sẻ về những cảm nhận của mình về nền giáo dục đất nước Bắc Âu như thế này: “Chẳng biết có phải chủ quan không, nhưng tôi đã gặp trong những ngôi trường Tiểu học với cô giáo là những người phụ nữ dịu dàng, nền nã, nhân ái, tài năng, kiên nhẫn và xinh đẹp nhất của Phần Lan….
….Nhìn cô ngồi bên bầy trẻ, chúng nó có chuyện gì cũng chạy lại ‘mách’ cô, không chút sợ sệt, ngăn cách, tôi hiểu một cách rõ ràng nhất câu nói ‘cô giáo như mẹ hiền’, dù nó chẳng hề được tô vẽ thành khẩu hiệu và treo lên mỗi lớp học ở Phần Lan…”
Sau tất cả những điều trên, giáo dục Việt Nam sẽ học được gì? Điều cần làm có lẽ chính là giải bài toán về nguồn nhân lực nơi những người giáo viên. Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng Tiến sĩ Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng của Phần Lan, cũng từng nói rằng: ‘Giáo viên giỏi cũng như những ngôi sao trong đội bóng’.
Và điều đáng lưu tâm là kể cả có sao đẳng cấp, một đội bóng đôi khi vẫn không thể mạnh. Lý do là vì cả cả hệ thống vẫn chưa đẳng cấp, chưa đủ mạnh tương xứng với trình độ của những ngôi sao.