“Em thấy anh Phú đầu tư hơi liều. Nếu số liệu đúng thì không nói làm gì…“, Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings bình luận về thương vụ Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse – đầu tư cho Vinalink, công ty mẹ của chuỗi rửa xe 5S.
“Số liệu không đúng mình được quyền từ chối mà“, Shark Phú trả lời.
Đoạn hội thoại trên được trích từ một video không được phát trên truyền hình của Shark Tank Việt Nam tập 6. Vậy quyền và nghĩa vụ các Sharks khi tham gia chương trình là gì? Shark cam kết xuống tiền nhưng số tiền đầu tư thực tế sau đó có đúng như cam kết? Qua tập 7 mà vẫn có một Shark chưa đầu tư, Shark tham gia có buộc phải đầu tư không?
Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ đã qua 7 tập phát sóng với 4 Shark chính quen thuộc gồm Shark Trần Anh Vương – TGĐ Sam Holding, Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, và Shark Thái Vân Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược VinaCapital.
Dưới đây là một số bí mật mà các “cá mập” buộc phải cam kết khi tham gia chương trình.
Đã là Shark thì buộc phải đầu tư
Qua gần nửa chặng đường Shark Tank, Shark Hưng vẫn giữ phong độ là Shark duy nhất chưa đầu tư vào bất cứ Startup nào.
Các Shark chính (không kể Shark khách mời) tham gia chương trình đều phải cam kết đầu tư. Chúng ta thấy qua 7 tập Shark Tank vừa qua, Shark Hưng là cá mập duy nhất chưa xuống tiền.
Theo quy định của chương trình, Shark Hưng sẽ buộc phải xuống tiền trong một mùa Shark Tank. Và mức đầu tư cam kết tối thiểu cho một mùa là 5 tỷ đồng/Shark.
Đã đầu tư thì không được đầu tư ít tiền hơn số vốn Startup yêu cầu
Qua các tập vừa qua, một điều dễ thấy là các Shark hoặc từ chối, hoặc đàm phán mức cổ phần, chứ không bao giờ đưa ra một đề nghị đầu tư thấp hơn mức gọi vốn mà Startup đưa ra ban đầu.
Ví như trường hợp của Tictag trong Shark Tank tập 6, ban đầu Founder Đoàn Thiên Phúc đề nghị mức đầu tư 300.000 USD cho 10% cổ phần. Đề nghị đầu tiên của Shark Phú là đầu tư 300.000 USD đổi lại 30% cổ phần.
Luật của Shark Tank là đảm bảo cho Startup có được số tiền mà họ cần cho hoạt động kinh doanh của họ. Tức là, các Shark sẽ không được trả giá xuống thấp hơn số tiền yêu cầu, nên Startup phải tính kỹ số tiền mình thực sự cần và định giá đúng.
Ngược lại, các Shark có thể đưa ra lý do Startup định giá không đúng nên Shark có quyền đòi số cổ phần cao hơn.
Không được sử dụng smartphone hay bất cứ phương tiện gì check được thông tin trên Internet
Format chương trình Shark Tank đưa ra các điều kiện khá ngặt nghèo. Các “cá mập” không được sử dụng smartphone check xem mô hình kinh doanh của Startup này thế nào, thị trường có đủ độ lớn, đối thủ kinh doanh là ai…
Shark Tank là gameshow đầu tư dựa trên niềm tin. Dù chỉ mới gặp lần đầu, các cá mập buộc phải dùng sự trải nghiệm của mình để đánh giá mô hình kinh doanh và ra quyết định đầu tư ngay trong 1 – 2 tiếng đồng hồ Startup pitching.
Còn việc check thông tin Startup đưa ra sẽ được thực hiện sau chương trình.
Không được dùng máy tính, chỉ được tính nhẩm
Công cụ duy nhất của các Shark là quyển sổ và cái bút.
Các cá mập rất giỏi tính toán. Giữa cả mớ số liệu về doanh thu, lợi nhuận, giá trị tài sản, quy mô thị trường… mà Startup đưa ra, các Shark không được dùng máy tính hay điện thoại để nhân, chia, mà chỉ được tính nhẩm.
Mỗi Shark chỉ được cầm 1 quyển sổ, 1 cái bút, dựa trên kỹ năng cũng như khả năng phán đoán của một doanh nhân để check số liệu Startup đưa ra. Không được dùng các công cụ hỗ trợ khác.
Đây cũng là chiêu cân não các Shark và khiến gameshow kịch tính hơn. Khi không có công cụ hỗ trợ, các Shark buộc phải lắng nghe rất kỹ, cân nhắc, tính toán… thay vì “cắm mặt” vào smartphone check các dữ liệu và thông số.
Các Shark có thể cam kết nhưng không đầu tư?
Tổng hợp Startup gọi vốn thành công qua 6 tập Shark Tank.
Do quyết định đầu tư đưa ra chỉ trong 1 – 2 tiếng đồng hồ, các Shark có cửa lùi là nếu Startup trình bày sai so với những gì họ nói trên gameshow thì Shark có quyền: Điều chỉnh đầu tư hoặc Từ bỏ.
Với mỗi lần cam kết rót vốn, thư ký chương trình đều ghi lại. Nếu số liệu Startup đưa ra chính xác, các cá mập tất sẽ rót vốn.
Đây cũng là lý do Forbes từng điều tra và đưa ra thông tin có 43% Startup bị hủy hoặc điều chỉnh thỏa thuận đầu tư theo hướng bất lợi sau chương trình Shark Tank; 30% cho biết số lượng vốn và khoản đầu tư cam kết trên sóng truyền hình thay đổi trong quá trình diễn ra đàm phán hoặc thẩm tra doanh nghiệp sau khi phát sóng nhưng họ vẫn chọn ký kết thỏa thuận.
Chỉ 27% nhận được khoản đầu tư chính xác như cam kết trên truyền hình.