Kể từ khi nhà đồng sáng lập Steve Jobs qua đời năm 2011, công ty lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa đã bán được hàng trăm triệu chiếc điện thoại thông minh thời thượng mà mỗi lần một mẫu mới ra mắt lại tạo ra một cơn sốt nhỏ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cùng trong quãng thời gian ấy, mảng tài chính của Apple cũng đã tăng trưởng rất mạnh mẽ, thậm chí xét theo một vài tiêu chí thì mảng này đã có quy mô bằng một nửa so với Goldman Sachs.
Apple không xếp tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính vào một công ty con, nhưng theo tờ The Economist, nếu gộp chung lại vào một bộ phận tạm gọi là “Apple Capital”, bộ phận này sẽ có 262 tỷ USD tài sản, 108 tỷ USD nợ và kể từ năm 2011 đến nay đã giao dịch số chứng khoán có tổng giá trị lên đến 1.600 tỷ USD.
Đây là một phần của tập đoàn Apple hùng mạnh và có vẻ như nó cũng được điều hành một cách rất thận trọng. Tuy nhiên, nó vẫn cần phải được soi xét kỹ lưỡng. Trên thực tế có không ít các tập đoàn công nghệ lớn bị tổn hại bởi mảng kinh doanh tài chính, ví dụ như General Electric (GE) hay General Motors (GM).
3 nhiệm vụ chính của Apple Capital
Apple Capital đảm nhiệm rất nhiều chức năng nhưng có 3 nhiệm vụ chính: đầu tư số lợi nhuận khổng lồ của Apple (chủ yếu là vào các tài sản có độ xếp hạng tín nhiệm cao, do Braeburn Capital – 1 chi nhánh ở Nevada có thuê ngoài một số nhà quản lý quỹ – đảm nhiệm), sử dụng các công cụ phái sinh để bảo vệ Apple trước các biến động về tỷ giá và lãi suất. Cuối cùng, Apple Capital chịu trách nhiệm quản lý núi nợ doanh nghiệp lớn thứ 5 của nước Mỹ bằng cách phát hành trái phiếu Apple, giúp thực hiện chiến lược giảm số thuế phải nộp.
Vai trò của Apple Capital ngày càng lớn. Kể từ khi Jobs qua đời, tài sản của bộ phận này đã tăng trưởng 221%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng doanh thu của Apple. Tổng giá trị các khoản đầu tư của Apple Capital có giá trị bằng 32% giá trị vốn hóa của “quả táo cắn dở”, trong khi lợi nhuận tương đương 7% lợi nhuận (trước thuế) mà Apple thu được kể từ đầu năm đến nay. Không chỉ có vậy, Apple Capital cũng có quy mô lớn nếu đặt trong tương quan so sánh với các công ty tài chính khác. Xét trên 4 yếu tố tài sản, nợ, tổng dư nợ và lợi nhuận, Apple Capital lớn bằng 30 – 85% so với Goldman Sachs, 22-42% so với GE Capital ở thời đỉnh cao năm 2007.
Tuy nhiên, ở Apple Capital có nhiều điểm khác biệt quan trọng. Nó không nhận tiền gửi, cũng không cho vay và có tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn rất nhiều so với các định chế tài chính khác. Ở thời hoàng kim, Goldman và GE Capital đã cho vay rất nhiều và chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn.
Dẫu vậy, Apple đang có xu hướng lún sâu vào những hoạt động rủi ro hơn.
Thứ nhất, Apple Capital đang đầu tư vào những tài sản ít an toàn hơn. Năm 2011, phần lớn các tài sản của Apple là “không có rủi ro”: tiền mặt và trái phiếu Chính phủ. Còn ở thời điểm hiện tại 68% đang được đầu tư vào nhiều loại chứng khoán khác nhau mà chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm cao. Sự dịch chuyển này giúp giải thích tại sao danh mục của Apple thu được mức lợi suất năm 2% – cao hơn so với 4 công ty khác ở thung lũng Silicon Valley cũng có núi tiền mặt khổng lồ là Microsoft, Alphabet, Cisco and Oracle.
Thứ hai, Apple hoạt động khá mạnh trên thị trường chứng khoán phái sinh. Kể từ năm 2011, tổng giá trị khái toán (notional value – tính theo giá bề mặt của các hợp đồng phái sinh) của Apple Capital đã tăng 425%, lên 124 tỷ USD. Dù nhỏ hơn nhiều so với quy mô vị thế của các ngân hàng lớn, đây là con số lớn thứ ba được nắm giữ bởi 1 công ty phi tài chính ở Mỹ, chỉ đứng sau GE và Ford. Với mỗi USD doanh thu ghi nhận ở nước ngoài, Apple lại có 89 cent đầu tư vào các hợp đồng phái sinh, so với mức trung bình 57 cent của 4 ông lớn công nghệ khác.
Các hợp đồng phái sinh có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ. Năm 2015 mảng này đóng góp 4 tỷ USD, tương đương 6% tổng lợi nhuận của Apple. Tuy nhiên đó cũng là 1 con dao hai lưỡi. Apple cho biết chỉ số VAR (value-at-risk, thước đo tính toán khoản tiền lỗ tối đa của danh mục trong một thời hạn nhất định nếu loại trừ những trường hợp xấu nhất hiếm khi xảy ra) là 434 triệu USD trong 1 ngày. Con số này là quá lớn, tương đương mức tổng chỉ số VAR của 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới. Và mặc dù về lý thuyết các khoản lỗ trên hợp đồng phái sinh sẽ được bù đắp bằng mức tăng lên trong giá trị của các tài sản cơ sở, đó vẫn là những con số quá lớn.
Rủi ro cuối cùng nằm ở sự chênh lệch giữa hoạt động ở thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Phần lớn lợi nhuận của Apple đến từ thị trường nước ngoài và được giữ trong các chi nhánh ở nước ngoài để giúp Apple né mức thuế 35%. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa 94% tài sản của Apple Capital đang ở nước ngoài và Apple không thể tiếp cận chúng để sử dụng cho những mục đích thông thường, dẫn đến bộ phận hoạt động ở trong nước phải gồng mình gánh vác nghĩa vụ trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ. Vì lợi nhuận trong nước không đủ để làm điều này, Apple phải đi vay. Mức nợ ròng nội địa đã chạm mốc 92 tỷ USD, cao gấp 5 lần tổng lợi nhuận hoạt động ở thị trường nội địa. Mỗi năm Apple phải phát hành 30 tỷ USD trái phiếu, ngang bằng với mức trung bình của 5 doanh nghiệp lớn nhất phố Wall.
Những rắc rối tiềm ẩn
Apple đang có được siêu lợi nhuận từ mảng kinh doanh cốt lõi, do đó nếu Apple Capital thua lỗ thì cũng không cần đến tiền của người nộp thuế hay sự trợ giúp của Fed như trường hợp của GM và GE. Tuy nhiên, có thể dễ dàng tưởng tượng bộ phận này sẽ làm tổn hại công ty mẹ như thế nào. Một cú sốc trên TTCK có thể khiến Apple Capital thua lỗ, chỉ cần lãi suất tăng 2 điểm phần trăm cũng sẽ gây ra khoản lỗ 10 tỷ USD. Nếu thanh khoản trên thị trường trái phiếu đột ngột bốc hơi, Apple sẽ không thể phát hành nhiều nợ như hiện nay và sẽ phải mang thêm lợi nhuận về quê nhà, dẫn đến phải đóng nhiều thuế hơn.
Apple Capital được nuôi dưỡng bởi một thị trường tài chính đang ở trong giai đoạn yên bình, và giai đoạn này sẽ không kéo dài mãi mãi. Qua thời gian những rủi ro mới sẽ xuất hiện và cám dỗ thôi thúc đầu tư vào những tài sản rủi ro hơn cũng sẽ tăng lên. Cứ theo đà này thì đến năm 2022, Apple Capital sẽ có 400 tỷ USD tài sản, 250 tỷ USD nợ và dễ dàng lọt vào tầm mắt của các nhà quản lý.
Theo một quản lý đã rời khỏi Apple từ năm 2012, những chuyên gia tài chính của Apple rất thận trọng vì “không ai muốn nhận được cuộc gọi của Steve Jobs lúc 3 giờ sáng). Nhưng Jobs đã rời xa cõi đời này và Tim Cook nên thu hẹp Apple Capital càng sớm càng tốt. Các tập đoàn công nghệ nên tìm ra những con đường tạo nên đột phá và cải cách ngành tài chính, đem lại những giá trị lớn lao cho xã hội chứ không phải bị thị trường tài chính “quyến rũ” và sa đà vào những vụ đầu tư rủi ro.