‘Bí kíp’ gọi vốn 7 tỷ đồng của Tictag: 3/5 Sharks lắc đầu, Startup này vẫn mạnh dạn thương thuyết, đưa điều kiện ràng buộc các cá mập đầu tư

Tictag là một Startup hiếm hoi trong Shark Tank mà Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse – gật đầu cam kết rót vốn coi như là “học phí”. Mục tiêu gọi vốn 300.000 USD, Startup đã gọi vốn thành công 330.000 USD, với sự tham gia trợ lực của cả Shark Phú lẫn Shark Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc BSSC, kèm theo điều kiện ràng buộc thời điểm thoái vốn của các Sharks tối thiểu phải sau 3 năm.

Tổng quan về thương vụ gọi vốn của Tictag

– Mô tả: Tictag là Startup chuyên cung cấp những tiện ích không giới hạn cho khách hàng trong một lần chạm, hướng tới mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp).

– Mô hình kinh doanh: B2B

– Giá trị cốt lõi của Tictag dựa trên 3 yếu tố: Có khả năng thiết kế phần cứng, Có hệ thống phần mềm, Trải nghiệm xuyên suốt đối với người dùng

– Gọi đầu tư 6.820 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) đổi lấy 10% cổ phần

Đến với Shark Tank, mục tiêu ban đầu của Tictag là gọi vốn 300.000 USD, đổi lấy 10% cổ phần. Dù có tới 3/5 Sharks lắc đầu ngay tắp lự, nhưng Đoàn Thiên Phúc – Founder kiêm CEO của Tictag – vẫn bày tỏ đam mê và chia sẻ về tương lai của Tictag 3 – 5 năm tiếp theo.

Sau màn thương thuyết khiến Shark Phi phải thốt lên “Đừng làm chị nhức đầu”, Founder Tictag đã gọi vốn thành công 330.000 USD tương đương 7,5 tỷ đồng), đổi lại 20% cổ phần, kèm ràng buộc thời điểm thoái vốn của các Sharks tối thiểu phải sau 3 năm.

Founder của Tictag đã làm thế nào?

Chia sẻ về lộ trình đàm phán của mình, bạn Đoàn Thiên Phúc cho biết: “Về lộ trình đàm phán với nhà đầu tư , tôi tiến hành theo trình tự của pitch deck (bản mô tả ngắn gọn và tổng quát về kế hoạch kinh doanh -PV) của mình”.

Theo Phúc, các nhà đầu tư thường sẽ quan tâm những vấn đề sau:

– Sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp là gì

– Độ lớn thị trường

– Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực này là gì

– Các giả định và số liệu doanh nghiệp dùng để phát triển trong những năm tiếp theo (phần này thường được trích dẫn để đưa vào làm KPI)

– Kế hoạch gọi vốn và sử dụng vốn, sau khi sử dụng hết nguồn vốn này thì doanh nghiệp sẽ đạt được gì

– Kế hoạch thoái vốn (đây là phần quan trọng mà các Startup thường bỏ qua hoặc không biết, vì nhà đầu tư họ quan tâm nhất về việc này. Cho nên, nếu không có kế hoạch cho nhà đầu tư thoái vốn cụ thể, họ thường sẽ lo sợ cho khoản tiền đầu tư của mình)

“Tuy nhiên, với thời lượng chương trình không nhiều, chúng tôi nói về những ý chính cũng như trả lời các thắc mắc của nhà đầu tư. Cơ bản với 1 pitch deck như vậy, tôi tự tin có thể trả lời tất cả những gì họ sẽ hỏi và đó chính xác là những gì đã diễn ra ở phần pitch của tôi với các Sharks”, Phúc chia sẻ.

* Nội dung thương thuyết với các Sharks của bạn khá thú vị, đặc biệt là đoạn bạn khiến Shark Phi thốt lên “Đừng làm chị nhức đầu”. Tại sao lúc đó bạn đưa ra yêu cầu gọi vốn ở mức 550.000 USD cho 20% cổ phần với 2 Sharks, nhưng nếu một mình chị Phi đầu tư thì mức đầu tư phải cao hơn, với 500.000 USD cho 20% cổ phần?

Đoàn Thiên Phúc – Founder kiêm CEO Tictag: Về phần đầu tư, tôi phân tích rất cụ thể những lợi ích sau vòng đầu tư này, và lợi ích ở đây không chỉ là tiền. Do đó, tôi vẫn mong muốn có sự tham gia của cả 2 Shark.

Việc chị Phi đầu tư một mình thì khả năng chi phối trong tương lai của chị Phi sẽ cao hơn và chúng tôi cũng mất đi một số lợi thế nhất định trong trường hợp có cả Shark Phú . Do đó, đề xuất của tôi đưa ra là dựa trên định giá công ty và cân bằng lợi ích sau vòng đầu tư này.

* Vì sao đã có tới 3 Sharks lắc đầu mà bạn vẫn đủ tự tin thương thuyết với 2 Sharks còn lại về tỷ lệ cổ phần chi phối?

Chúng tôi đến với chương trình với 2 mục tiêu: Quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và Tìm kiếm người đồng hành cùng hợp tác. Phải nói rõ là hợp tác cùng phát triển chứ không phải đi xin vốn.

Chúng tôi có lộ trình cụ thể, trong trường hợp các Shark không đầu tư chúng tôi vẫn có những chiến lược phát triển dài hạn và quan trọng hơn nữa là nhà đầu tư không phải có ở trong chương trình Shark Tank. Ngày trước có những nhà đầu tư muốn đầu tư vào chúng tôi nhưng giai đoạn đó quá sớm hoặc định hướng không phù hợp, chúng tôi đều từ chối. Với chương trình này cũng vậy.

Cái Tictag muốn tìm kiếm là sự cộng hưởng về giá trị cốt lõi, cả hai phải cùng nhìn thấy những giá trị chung của nhau, vì vậy với những shark không đầu tư, chúng tôi chân thành cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các anh chị đó.

Đó chỉ đơn giản là chúng tôi không có cùng mục tiêu hợp tác nên họ chỉ có thể đóng góp các quan điểm cho chúng tôi chứ không đến mức đầu tư được. Đó là điều bình thường trong cuộc sống và tôi thoải mái với những điều như vậy.

Còn với những Shark đầu tư, họ tin vào yếu tố con người đầu tiên và tin rằng với số vốn đó, chúng tôi sẽ đẩy nhanh và đẩy xa những dự định của mình lên và chắc chắn trong quá trình hợp tác sẽ có những giao thoa về lợi ích lẫn nhau, nên tôi và các shark đó quyết định cùng đồng hành với nhau.

Về việc đàm phán về cổ phần chi phối, do đây vẫn là giai đoạn tương đối sớm trong việc phát triển công ty nên chúng tôi đưa ra quan điểm rõ ràng với các Shark về động lực đóng góp vào doanh nghiệp sau đầu tư. Nếu Shark lấy quá nhiều cổ phần kể cả việc tăng tiền lên thì chúng tôi cũng sẽ vẫn bị giảm động lực vì đây là giai đoạn quá sớm.

Khi mô hình đã được chứng minh và doanh nghiệp đã có thị trường lớn thì việc pha loãng và chi phối các sáng lập viên mới trở nên hợp lý. Các Shark cũng là những người có kinh nghiệm và hiểu biết trên thương trường nên việc họ đồng ý với quan điểm của tôi là điều dễ hiểu.

Dĩ nhiên là với những doanh nghiệp chưa có chiến lược và kế hoạch tài chính cụ thể thì việc các Shark muốn kiểm soát để giúp gia tăng giá trị trong giai đoạn đầu cũng là điều hợp lý, nhưng đó không phải là với Tictag.

* Xin cảm ơn bạn!

Startup đầu tiên khiến Shark Phú rút 6 tỷ đồng mà chỉ coi như “học phí”, kèm ràng buộc không được thoái vốn trong 3 năm

Bài viết mới