Bị ‘khủng bố’ văn bản, Bộ Kế hoạch – Đầu tư kêu lên Thủ tướng

Nguồn tin của PV.VietNamNet cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một sự việc hy hữu.

Cụ thể, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục nhận được văn bản của 3 công ty là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo, Công ty CP Chống ùn tắc giao thông quốc tế, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách kiến nghị sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP với nội dung tương tự.

Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được tới 37 văn bản. Công ty Gia Bảo là DN đầu tiên gửi kiến nghị, sau đó một số công dân và DN khác cùng gửi kiến nghị.

Ngoài việc đề nghị sửa Nghị định 15 về hợp tác công tư PPP, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo (DN từng được báo chí đề cập vì có bút phê “Buồn cười quá” gửi Thủ tướng – PV) còn xin đứng ra “thay chân, thế chỗ” Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên, rồi làm sân bay Long Thành,…

Trong khi, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách thì kiến nghị tăng lương cho các Bộ trưởng và Uỷ viên trung ương vì cho rằng mức lương hiện tại của họ không đủ để nuôi 2 con ăn học…

Nguồn gốc của các công ty này là thế nào? Sau vài chục lần bị “khủng bố” bằng văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện ra điểm đáng chú ý.

Đó là các DN và công dân trên đều có địa chỉ tương tự với công ty Gia Bảo là tòa nhà D2, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tra cứu hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN thì phát hiện Công ty CP Chống ùn tắc giao thông quốc tế, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách là một. Bên cạnh đó, văn bản của các DN này đều có thể thức trình bày và lời lẽ giống nhau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tổ chức họp và trao đổi với Công ty Gia Bảo; đồng thời, có tới 4 văn bản trả lời các DN và công dân trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các kiến nghị của Công ty Gia Bảo yêu cầu sửa Nghị định 15 trong 30 ngày đồng thời đề nghị có quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ tối đa 9% lợi nhuận đối với dự án BT. Những nội dung đề nghị này là không đảm bảo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không phù hợp để tiếp thu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phúc đáp cụ thể.

Ngoài ra, các văn bản có nhiều nội dung rất tiêu cực và phản cảm, quy kết tội tham nhũng, lại quả 10%, lợi ích nhóm cho lãnh đạo Bộ này và yêu cầu các lãnh đạo từ chức,… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những nội dung đó có dấu hiệu của hành vi vu khống.

Công ty này cũng gửi nhiều văn bản với nội dung tiêu cực và phản cảm tương tự với Bộ Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gây nhiều bất bình cho các cơ quan trên.

Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị DN trên không tiếp tục gửi các kiến nghị trùng lặp kèm những nội dung đả kích tiêu cực, nói xấu cán bộ nhà nước đến Bộ và Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, DN này vẫn tiếp tục gửi thêm… 18 văn bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Những hành động này gây tác động xấu đến quá trình làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khi liên tục phải xử lý các nội dung trùng lặp, tiêu cực, phản cảm.

Quan điểm của Bộ là đối với các DN làm ăn chân chính, tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh đầu tư lành mạnh, hiệu quả thì cần được bảo vệ, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển.

Tuy nhiên, bất kỳ DN nào đi ngược lại với xu thế chung của cộng đồng DN, không hiểu biết, tôn trọng pháp luật, vu khống, đả kích chính sách pháp luật, cơ quan, cán bộ của nhà nước thì phải loại bỏ, đào thải, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh chung của đất nước.

Do đó, để chấm dứt tình trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép không xử lý các văn bản có nội dung trùng lặp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời nếu các DN trên tiếp tục gửi tới Cổng thông tin điện tử và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên trách xem xét có biện pháp cụ thể để xử lý, ngăn chặn hành vi của các DN trên theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết triệt để tình trạng này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng.

Bài viết mới