Bị cảnh báo thẻ vàng, hải sản Việt Nam nguy cơ mất thị trường

Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp thẻ vàng cảnh báo đối với hải sản Việt Nam, những sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.

Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT về những giải pháp khắc phục theo các khuyến nghị từ phía Liên minh châu Âu đưa ra.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.

PV:Thưa ông, xin ông cho biết hệ quả của việc cảnh báo thẻ vàng mà phía Liên minh châu Âu đưa ra ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: EU cảnh báo đến các lô hàng xuất khẩu, sẽ tăng cường tần suất kiểm tra về hồ sơ xuất xứ nguồn gốc đối với các lô hàng của Việt Nam, có thể lên đến 100% các lô hàng. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian để họ kiểm tra các lô hàng.

Thứ hai là tăng thêm các chi phí về lưu kho, thực hiện kiểm tra mà chúng ta phải trả phí cho họ. Thêm nữa là chi phí về thời gian chờ đợi để thông quan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hải sản.

Hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện theo chuỗi, nên khi xuất khẩu hải sản gặp vấn đề thì việc tiêu thụ các sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con. Chỉ có những doanh nghiệp nào làm ăn gian dối thì khả năng bị trả lại mới nhiều.

Cần phải khẳng định rằng, việc xuất khẩu vào thị trường của Cộng đồng các nước châu Âu (EC) vẫn diễn ra một cách bình thường với điều kiện đáp ứng các quy định thì không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu.

PV:Trong trường hợp 6 tháng tới, nếu chúng ta chưa khắc phục được tình hình thì nguy cơ dẫn đến việc EU áp dụng biện pháp thẻ đỏ như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Nếu như những cảnh báo của Liên minh châu Âu không được thực hiện, hoặc chúng ta thực hiện không hiệu quả thì họ sẽ áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Khi đó thì toàn bộ các sản phẩm hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này.

Những đơn hàng các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ bị dừng lại, không xuất khẩu được vào thị trường này. Tiếp đó, khi mất đi thị trường châu Âu, các thị trường khác cũng sẽ có cơ hội để áp đặt các biện pháp thương mại đối với hải sản của Việt Nam. Đó là cạnh tranh không lành mạnh, khi đó giá trị thủy sản của chúng ta vào thị trường của họ sẽ bị giảm xuống. Tất nhiên người chịu thiệt thòi ở đây là doanh nghiệp và ngư dân của Việt Nam.

PV:Tổng cục Thủy sản sẽ có những giải pháp như thế nào để thực hiện các khuyến nghị mà phía EU vừa đưa ra cũng như những giải pháp về lâu dài trong xuất khẩu thủy sản thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Trong thời gian 6 tháng tới, trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản là tham mưu Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện thực hiện những khuyến nghị của phía Liên minh châu Âu (EU) như xây dựng Luật Thủy sản, đi kèm với đó sẽ có các Nghị định, Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật chứng minh cho Cộng đồng châu Âu thấy rằng chúng ta đã làm và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bạn về hệ thống thể chế.

Chúng ta cũng đã và đang triển khai việc tham gia các Hiệp định quốc tế về thủy sản trong đó có “Hiệp định về đàn cá di cư xa” của Công ước Luật biển quốc tế 1982 cũng như “Hiệp định biện pháp các quốc gia có Cảng” của Tổ chức Nông Lương liên hiệp quốc.

Tập trung thay đổi quy trình về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ chứng nhận nguồn gốc nguồn lợi thủy sản; đảm bảo các thông tin minh bạch được kiểm tra một cách đầy đủ và cần phải tăng cường các hệ thống giám sát hoạt động trên biển, bằng các thiết bị, công nghệ và bằng tuần tra kiểm tra trực tiếp và chúng ta tăng cường việc kiểm tra tại các. Tăng cường ngăn chặn tàu cá của Việt Nam đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Về phía Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ về việc sớm phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp; Thường xuyên tổ chức các đoàn đàm phán thông tin với Cộng đồng châu Âu (EC) để họ hiểu hơn nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị mà phía EU đưa ra cũng như biên dịch các Luật, văn bản dưới Luật khi đã xây dựng xong để gửi cho EU qua đó chứng minh nỗ lực của Việt Nam lực trong việc hoàn thiện thể chế về quản lý nghề cá.

Yêu cầu các địa phương có kế hoạch cụ thể thực hiện “Kế hoạch hành động Quốc gia về ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp” ở địa phương cũng như quản lý đội tàu khai thác ngăn chặn việc khai thác ở vùng biển các nước; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định mới và buộc các tàu cá phải lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để bà con ngư dân hiểu và chấp hành.

PV:Xin cảm ơn ông!./.

Vì sao EU “giơ thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam?

Bài viết mới