Sau scandal giữ bầu Đức với bầu Tú, VPF và VFF, tự truyện Phút 89 của Công Vinh đang khiến cho làng bóng đá Việt dậy sóng.
Cùng thời điểm Công Vinh ra tự truyện, một vài người làm bóng đá cũng ra tự truyện nhưng không được quan tâm, ví dụ như cựu phó tổng thư ký VFF – Dương Nghiệp Khôi. Điều ấy cho thấy sức hút của Công Vinh rất lớn đối với người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Còn nhớ, ngày bầu Đức bắt đầu tuyên chiến với VPF và bầu Tú. Công Vinh là người đầu tiên lên tiếng ủng hộ với quan điểm một nền bóng đá chuyên nghiệp sao để một người ngồi nhiều ghế kiểu như bầu Tú ở VPF.
Bầu Đức – một ông bầu đặc biệt của bóng đá Việt Nam.
Lúc đó, cả làng bóng đá Việt đều im hơi lặng tiếng, không có ai dám công khai để ủng hộ bầu Đức như Công Vinh. Phần lớn quan chức các đội bóng ở V.League chỉ dám nói theo kiểu giấu tên, ngoại trừ bầu Thắng, bầu Nhiệm, hay các chuyên gia bóng đá.
Tiếng nói của Công Vinh ủng hộ bầu Đức mà không cần phải chờ đợi, xem động thái dư luận đã phản ánh được sự bị biệt như chính thời điểm Vinh còn chơi bóng. Và 20 năm ròng rã cống hiến cho bóng đá Việt Nam đã được Vinh đưa vào tự truyện phút 89 đang làm “dậy sóng”.
Rất nhiều cựu cầu thủ, các HLV không hài lòng khi được Công Vinh nhắc trong tự truyện. Vấn đề là Vinh công khai điều ấy, chắc chắn phải là sự thật, không bôi vẽ thêm, bởi những điều sai lệch có thể khiến cho Vinh đối diện với những rủi ro ngoài ý muốn.
Công Vinh xét về toàn diện, có thể gọi là cầu thủ sạch và chuyên nghiệp nhất bóng đá Việt Nam trong 20 năm qua. Vinh từng chơi bóng trong lứa cầu thủ dính chàm vì tiêu cực. Nhiều bạn cùng trang lứa của Vinh kiếm được rất nhiều tiền, nhưng phần lớn đều “đốt” đi một cách đáng tiếc . Ví dụ như Vũ Như Thành, Huỳnh Quang Thanh, Đoàn Việt Cường, Huy Hoàng…
Công Vinh khác biệt so với phần còn lại.
Nhìn lại những cầu thủ nổi tiếng trước và cùng thời với Công Vinh để thấy rằng, Vinh là mẫu cầu thủ chuyên nghiệp, biết cách tiêu tiền và giữ tiền hợp lý. Đó là điều đáng quý và cần thiết cho tất cả cầu thủ Việt Nam, bởi sự nghiệp của họ không phải kéo dài mãi mãi, nếu không biết giữ gìn ở lúc đỉnh cao thì tiếc nuối, thậm chí hối hận là điều khó tránh khỏi.
Còn những điều được Công Vinh kể trong tự truyện, nếu những ai am hiểu và dõi theo bóng đá Việt Nam thì đủ tự có câu trả lời cho chính mình. Ở một nền bóng đá chưa chuyên nghiệp, còn rất nhiều thứ bất cập thì khó đòi hỏi cầu thủ có thể chuyên nghiệp.
Thế nên, sự chuyên nghiệp khiến Công Vinh trở thành cầu thủ dị biệt của bóng đá Việt Nam, không chỉ về tài năng mà lẫn ý chí, khát vọng và thông minh. Cũng vì dị biệt, Vinh trở thành “nạn nhân” của bóng đá Việt Nam khi phải đứng giữa lằn ranh yêu và ghét trong cả sự nghiệp.
Thực tế, những con người dị biệt rất khó đứng vững ở bóng đá Việt Nam. Bầu Đức cũng là một ví dụ lớn. Chuyện bằng cử nhân, hay sót tên trước thềm đại hội VFF khóa VIII là minh chứng mà bất kỳ người hâm mộ nào cũng hiểu được.
Cả hai người đều có cá tính dị biệt.
Bầu Đức từng gọi mình là “con sói cô độc” của bóng đá Việt Nam: “Tôi không sợ làm “con sói cô độc”. Không ai chiến đấu tôi sẽ chiến đấu cho. Chuyện này sẽ đi vào lịch sử…”.
Bầu Đức đơn độc vì ông dám nói, dám làm, dám công khai những điều mà người khác im lặng, chấp nhận để có được sự bình yên. Do vậy, một người như bầu Đức khó tránh được điều tiếng, thậm chí ông gọi là người ta cố tình gạt ra khỏi VFF.
Cả bầu Đức và Công Vinh, có thể gọi là những người đơn độc của bóng đá Việt Nam, hay đúng hơn là những đóa sen giữa bùn lầy. Họ quá dị biệt so với phần còn lại. Và điều ấy chỉ thay đổi khi bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp.