Bất thường một khoản nợ công

Những chiếc máy đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu

Khoản vay ODA ưu đãi của Áo để mua máy kiểm tra chất lượng cầu đường sắt và máy điều hòa đá ba lát cho Tổng Cty Đường sắt VN (VNR) là điển hình của việc: Tiền vay của nước ngoài, nhưng về Việt Nam biến thành máy móc cứ như tàng hình.

Trong bối cảnh tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tục và có liên quan tới chất lượng hạ tầng, cũng như con người, người ta mới nhớ tới công năng của 2 chiếc máy kiểm tra chất lượng cầu đường-loại mà khi thuyết trình, những người ký văn bản của Bộ KH&ĐT (năm 2014) viết: “Nhằm kiểm soát cơ bản được tiêu chuẩn, chất lượng cầu đường; phản ánh chính xác, trung thực và khách quan trạng thái kiến trúc tầng trên của đường sắt…, đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu”.

Tương tự với chiếc máy “điều hòa đá ba lát đường sắt” cũng được lý giải một cách hay ho: “Nhằm nâng cao ổn định và tuổi thọ của kết cấu hạ tầng đường sắt, phục vụ vận tải ngày càng cao”. Và, từ ngày có những thiết bị trên, tai nạn đường sắt liên quan đến tính năng những chiếc máy này không hiểu sao dồn dập xảy ra.

Cơ quan gác nợ công không biết

Thế nhưng, câu chuyện chính không dừng ở những chiếc máy có tính năng tuyệt vời như thuyết trình. Mới đây, Bộ Tài chính có một văn bản tá hỏa với nội dung: Không hiểu tiền mua 2 chiếc máy (này) hơn 6,3 triệu euro giải ngân lúc nào mà chính bộ này (nơi gác cửa thẩm định khoản vay ODA ưu đãi nước ngoài) không hay.

Dự án được giải ngân trực tiếp từ một một ngân hàng Áo cho doanh nghiệp bán máy và đã chuyển về VNR sử dụng từ bao giờ. Lúc này, Bộ tài chính mới hỏi VNR rằng, dự án giải ngân theo hình thức thanh toán một lần duy nhất, do đó phải có kiểm soát chi trước theo quy định (Điểm 4, Điều 10, Thông tư 111/2016). Theo đó, VNR phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước khoản giải ngân không hợp lệ này.

Đến đây việc đã rõ: VNR vay một khoản tiền từ nước ngoài mua máy móc và đã đem về sử dụng từ lúc nào. Một ngày, Bộ tài chính phát hiện khoản vay không được thẩm định.

Một chuyên gia tài chính nói: “Nếu VNR sử dụng vốn đầu tư của mình thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trường hợp các quyết định phê duyệt có đề cập đến nguồn vốn vay nước ngoài thì quả kỳ cục. Cụ thể, phê duyệt dự án khi chưa có cơ chế tài chính, danh mục dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ký hợp đồng mua bán khi chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, chưa thu xếp được nguồn vốn vay là không đúng trình tự đầu tư”.

Tất nhiên, VNR làm hồ sơ vay lại tiền từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để trả nợ cho khoản vay hơn 6,3 triệu euro đang bị treo lại. Bởi, ai dám giải ngân cho một khoản tiền vào Việt Nam như tàng hình.

Về nguyên tắc, tiền vay ODA về Việt Nam, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ sẽ cho vay lại khoản này. Ở giai đoạn đó, Bộ Tài chính giao cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ làm cơ sở để xét duyệt khoản vay với nguồn vay lại. Sau khi xét duyệt, và chủ đầu tư (VNR) đủ điều kiện được vay lại, Bộ tài chính ủy quyền cho cơ quan (cho vay lại) ký hợp đồng (vay lại). Trên cơ sở đó VNR đề nghị rút vốn từ ngân hàng Áo, ghi nợ để thanh toán cho nhà thầu cung cấp thiết bị. Tuy nhiên, thực tế VNR chưa làm đúng trình tự trên. Đây cũng là câu chuyện kỳ cục về quản lý nợ công.

Quan điểm khác về nợ công: Nên chăng nới nợ gần sát trần nhằm xử lý các ách tắc của nền kinh tế?

Bài viết mới