Trong hơn 1 tuần trở lại đây xuất hiện diễn biến lạ trên thị trường vàng, đó là vàng miếng SJC lại được các doanh nghiệp bán ra với giá ngang hoặc thấp hơn cả vàng không phải SJC. Mức chênh lệch dao động từ vài chục nghìn đồng tới trên dưới 200 nghìn đồng/lượng bán ra.
Cụ thể như sáng ngày 13/2 tức 28 Tết, giá vàng SJC tại công ty VBĐQ SJC niêm yết tại 36,82 – 37,04 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) thì giá vàng trang sức 4 số 9 (99,99%) cũng được chào giá 36,63 – 37 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC là 36,85 – 37,02 triệu đồng/lượng (mua – bán) nhưng giá vàng hiệu Vàng Rồng Thăng Long của đơn vị này, bao gồm cả vàng miếng, vàng nhẫn tròn trơn.. lại niêm yết ở 36,74 – 37,19 triệu đồng/lượng tức cao hơn 170 nghìn đồng/lượng. Thậm chí vàng trang sức cũng bán giá cao hơn vàng miếng SJC, là 37,1 triệu đồng mỗi lượng.
Tại tập đoàn DOJI, giá vàng miếng SJC niêm yết ở 36,8 – 37 triệu đồng/lượng (mua – bán), trong khi đó vàng thương hiệu DOJI niêm yết 36,81 đến 36,84 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào còn bán ra giá từ 37,04 đến 37,08 triệu đồng/lượng, tức cũng bán ra đắt hơn 40 – 80 nghìn đồng mỗi lượng so với vàng SJC.
Tại PNJ, giá vàng miếng SJC là 36,85 – 37,1 triệu đồng/lượng trong khi đó vàng hiệu PNJ cũng niêm yết giá tương tự. Thậm chí vàng 24k còn được doanh nghiệp này bán ra với giá 37,08 triệu đồng/lượng trong khi mua vào rẻ hơn 800 nghìn đồng mỗi lượng.
Không chỉ là vàng phi SJC được báo giá đắt hơn cả vàng SJC mà vàng SJC khối lượng nhỏ cỡ 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ hoặc nửa phân cũng được niêm yết giá cao hơn vàng 1 lượng tới vài chục nghìn đồng so với vàng một lượng.
Liên hệ với các doanh nghiệp vàng, chúng tôi được biết sở dĩ có hiện tượng lạ này là bởi nhu cầu vàng làm quà tặng những ngày giáp Tết tăng mạnh và giá vàng được điều chỉnh theo nhịp cung cầu.
“Trên thị trường hiện nay giá vàng miếng SJC không liên thông với thị trường quốc tế nên giá không biến động nhiều. Tuy nhiên vàng trang sức và các thương hiệu vàng riêng của doanh nghiệp thì lại có mối liên hệ chặt chẽ vì chúng tôi phải thu gom vàng nguyên liệu để chế tác. Hơn nữa nhu cầu những ngày này cũng rất mạnh khi người dân có xu hướng mua vàng làm quà tặng dịp Tết truyền thống nên giá biến động theo cung cầu” – bà Trần Như My, giám đốc kinh doanh vàng của Tập đoàn DOJI chia sẻ.
Và bởi nhu cầu mạnh nên không chỉ vàng trang sức, vàng thương hiệu riêng được làm ra được niêm yết giá cao mà ngay cả vàng nguyên liệu cũng được các doanh nghiệp đẩy giá lên khá cao, chỉ kém vàng miếng SJC có 200 – 300 nghìn đồng/lượng.
Trước đó, giá vàng nguyên liệu và vàng “phi SJC” thường rẻ hơn vàng SJC ít nhất vài trăm nghìn đồng, thậm chí có thời điểm lên tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.
Nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam mạnh nhất kể từ năm 2008
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng phục hồi trong những tháng cuối năm 2017 và ở quý IV đã tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 1,095.8 tấn.
Đối với thị trường Việt Nam, WGC đánh giá là thị trường tăng trưởng nhu cầu mạnh nhất trong khu vực, với mức tăng trưởng 11% trong quý IV và đẩy nhu cầu cả năm tăng 7% lên 16,5 tấn. Đây là năm nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.
Nhu cầu này của Việt Nam có được nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh. Thực tế thị trường đã có sự mở rộng mạng lưới bán lẻ đồ trang sức, và có những dấu hiệu cho thấy có thể Chính phủ sẽ sớm để tự do hóa thị trường vàng, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu gia tăng trên thị trường.