Bất ngờ, ông chủ thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam lại là một đại gia bất động sản

Những ngày gần đây, câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang được dư luận quan tâm khi hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về thực trạng mở nhà hàng, khách sạn tại địa điểm của công ty này, chứ không còn sản xuất phim như thường lệ sau hơn một năm sau cổ phần hóa.

Đứng sau hãng phim truyện Việt Nam là ông lớn bất động sản

Còn nhớ, năm 2016 Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trở thành cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu lên tới 65% cổ phần, tương đương 32,5 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý nằm ở mức giá mà nhà đầu tư chiến lược bỏ ra chỉ vài chục tỷ nhưng đã nắm quyền chi phối cả hãng phim, cũng như kế thừa quyền và trách nhiệm liên quan đến nhiều khu đất, đặc biệt là 5.450m2 đất vàng tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) mà hãng phim này đang quản lý.

Cơ cấu cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi IPO.
Cơ cấu cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi IPO.

Điều đặc biệt hơn nữa, mặc dù VIVASO là một đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, cảng, cơ khí…nhưng đứng sau công ty này lại là một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng đường giao thông – Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường). Hiện, Vạn Cường là cổ đông lớn nhất của Vivaco và sở hữu hơn 70% cổ phần tại VIVASO.

Công ty Vạn Cường thành lập từ năm 1992, đến nay đã là một doanh nghiệp tư nhân lớn ở lĩnh vực hạ tầng giao thông. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Nguyễn Thủy Nguyên là chủ tịch. Ông Nguyên cũng đã được bầu là Chủ tịch HĐQT VIVASO sau khi đơn vị này hoàn tất thương vụ thâu tóm VIVASO hồi cuối 2014.

Được biết, ông chủ Vạn Cường – Nguyễn Thủy Nguyên sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông khởi nghiệp từ việc nhận làm thầu phụ cho các công ty Cienco tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đó, được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ như quốc lộ 1A và quốc lộ 14…là một doanh nghiệp không còn xa lạ với Bộ GTVT và các Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ này.

Ông Nguyên hiện nắm giữ 98,87% cổ phần công ty Vạn Cường, số còn lại là một số cá nhân khác. Với triết lý kinh doanh “năng nhặt, chặt bị”, trong suốt hơn 20 năm qua, ông Nguyên đã thành công với lĩnh vực của mình, có thể thâu tóm cả một Tổng công ty vận tải có giá trị hàng ngàn tỷ đồng và sau đó là Hãng phim truyện Việt Nam.

Liên tục thâu tóm VIVASO,VFS…đại gia BĐS nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng nghìn tỷ

Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm VIVASO, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã trở thành tân Chủ tịch VIVASO và được kế thừa nhiều khu đất vàng của VIVASO gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc…và trụ sở VIVASO tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét đất tại đây có giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2.

Mua VIVASO, ông chủ Vạn Cường có trong tay nhiều khu đất “vàng”, trong đó có Cảng Hà Nội.
Mua VIVASO, ông chủ Vạn Cường có trong tay nhiều khu đất “vàng”, trong đó có Cảng Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi mua lại VIVASO, hoạt động sôi động nhất của Công ty Vạn Cường chính là cho thuê trụ sở, kho bãi. Tòa nhà trụ sở chính của VIVASO ở Nguyễn Văn Cừ được cho thuê. Tổng Cty dồn trụ sở về cảng Hà Nội. Trên website, tổng công ty này rao cho thuê hầu hết các trụ sở làm việc của chi nhánh, kho bãi ở các cảng, không thấy bất cứ thông tin nào về đầu tư phát triển liên quan đến vận tải thủy.

Dự án đầu tư duy nhất được biết đến của VIVASO là bỏ ra 32,5 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của Hãng phim Việt Nam (VFS). Đối với thương vụ thâu tóm VFS, thông qua Vivaso, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên trở thành cổ đông lớn nhất tại đây là nắm quyền chi phối hoạt động VFS.

Vị trí khu đất vàng hãng phim truyện Việt Nam cũng vào tay Vạn Cường.
Vị trí khu “đất vàng” hãng phim truyện Việt Nam cũng vào tay Vạn Cường.

Sau khi thâu tóm VFS ông chủ Vạn Cường nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng với giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng như khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội; hơn 900m2 tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ; khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim và hơn 1,2 ngàn m2 tại Quận 1 làm chi nhánh tại TPHCM.

Tuy nhiên, sau khi mua VFS thì VIVASO cũng không đầu tư cho điện ảnh, thay vào đó đất vàng trụ sở được mở nhà hàng, khách sạn. Trước thực trạng này, dư luận đặt câu hỏi phải chăng việc Vạn Cường bỏ nghìn tỷ thâu tóm VIVASO và việc VIVASO mua lại VFS tất cả cũng chỉ vì mục đích đất vàng chứ không phải để phát triển vận chuyển thủy hay làm phim như bề nổi của câu chuyện.

Bài viết mới