Người dân Trung Quốc đã gửi tiết kiệm khoảng 2.600 tỷ USD, một con số kỷ lục, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến họ không thể đi lại mua sắm hay đầu tư một cách tự do.
Trung Quốc đang trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, người Trung Quốc được dự đoán sẽ bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn, mang lại lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tiền tiết kiệm của hộ gia đình tại các ngân hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 17.840 tỷ nhân dân tệ (2.600 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 80% so với năm 2021.
Khi các biện pháp kiểm soát đại dịch được dỡ bỏ, người Trung Quốc dường như được tự do chi tiêu. Các khoản đặt phòng khách sạn, vé xem phim và doanh thu nhà hàng đều bùng nổ trong kỳ nghỉ lễ gần đây.
Swetha Ramachandran và Jian Shi Cortesi, giám đốc đầu tư của GAM Investments, một công ty quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Zurich, cho biết sự thức tỉnh của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là một “câu chuyện thú vị” đối với các nhà đầu tư toàn cầu vào năm 2023.
Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, hơn 300 triệu du khách đã chi tổng cộng 56 tỷ USD trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày cho đến ngày 27/1, tăng 30% so với một năm trước. Theo Cục Quản lý Thuế Nhà nước, doanh số bán hàng từ các doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng cao hơn 12% so với mức trước đại dịch năm 2019.
Theo công ty du lịch trực tuyến Tongcheng Travel, lượng đặt phòng khách sạn đã tăng hơn 10 lần tại một số điểm du lịch hấp dẫn nhất, chẳng hạn như thành phố Tây An và Lạc Dương.
Kỳ vọng lớn về sự phục hồi
Sự phục hồi trong tiêu dùng đã vực dậy nền kinh tế Trung Quốc. Tuần trước, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Caixin/S&P Global, theo dõi hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, lần đầu tiên được mở rộng vào tháng 1 sau 5 tháng. Điều đó chủ yếu là do chi tiêu du lịch và tiêu dùng tăng trở lại.
Chỉ số này phản ánh kết quả của cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện trước đó. Các nhà phân tích cho biết dữ liệu mới được công bố là minh chứng về sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế.
Sự bùng nổ đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh. Sau khi chứng kiến doanh số tăng kỷ lục tại nhiều cửa hàng, Xiabuxiabu, một trong những chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc, đã mở 34 cửa hàng mới vào tháng trước tại nước này, công ty cho biết.
Các đại gia xa xỉ toàn cầu cũng hy vọng người mua sắm Trung Quốc sẽ quay trở lại. LVMH cho biết vào tháng 1 rằng họ “tự tin” và “lạc quan” rằng thị trường xa xỉ của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại trong năm nay.
Lĩnh vực bất động sản vẫn chậm trễ
Tuy nhiên, có một sự chậm trễ dễ thấy trong tiêu dùng.
Doanh số bán bất động sản của 100 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 1, theo dữ liệu được tổng hợp bởi China Real Estate Information, một công ty nghiên cứu bất động sản. Tại 30 thành phố lớn nhất, doanh số bán bất động sản trong tháng 1 chỉ bằng 60% so với mức năm 2022.
Các hộ gia đình Trung Quốc đã miễn cưỡng mua nhà trong hơn một năm, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Việc giá nhà giảm xuống và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã không khuyến khích những người mua tiềm năng.
Các cuộc biểu tình phản đối việc thanh toán các khoản vay thế chấp để mua nhà đã nổ ra ở hàng chục thành phố vào năm ngoái càng làm sứt mẻ niềm tin của người tiêu dùng.
Bất chấp một loạt biện pháp kích thích, tình trạng sụt giảm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Tính đến tháng 12/2022, giá nhà mới đã giảm trong 16 tháng liên tiếp, theo số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ.
Các nhà phân tích cho biết, vì bất động sản chiếm 70% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc nên xu hướng “chi tiêu trả thù” (chi tiêu bù cho những ngày không được ra ngoài mua sắm trong đại dịch) sẽ bị hạn chế.
“Ngành bất động sản vẫn là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc”, Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế về Greater China tại ANZ Research, cho biết. Ông nói thêm rằng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao cao và giảm phát giá tài sản sẽ hạn chế sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc.