Bất động sản khó khăn là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép

Với hơn 60% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường bất động sản khó khăn đang là rào cản lớn cho tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2023.

Trong báo cáo ngành thép mới cập nhật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá quý 1.2023 của ngành thép vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh giá thép nội địa thiếu động lực tăng và sản lượng tiêu thụ ảm đạm bởi ảnh hưởng của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, xét cho cả năm 2023, VCBS vẫn đưa ra dự phóng tích cực cho tăng trưởng của những doanh nghiệp đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim.

Vạ lây từ bất động sản

Trong giai đoạn đầu năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều có mức tăng trưởng doanh thu tốt do mặt bằng giá thép cao. Tuy nhiên, kể từ nửa sau năm ngoái, hầu hết các công ty thép ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận do tác động kép từ việc giá thép thành phẩm giảm giá và trích lập giá trị hàng tồn kho do xu hướng tích trữ nguyên liệu cho 1 quý sản xuất.

Thị trường bất động sản khó khăn là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép trong năm 2023

Hiện nay, nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trở nên khó khăn khi thay đổi pháp lý liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp. Mặc khác, việc giá thép biến động mạnh đã làm các dự án đầu tư công cũng như thi công xây dựng dân dụng bị đình trệ, kéo theo nhu cầu về mặt hàng này ở mức thấp.

Năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng. Tuy nhiên, VCBS cho rằng tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.

VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

Theo VCBS, thị trường bất động sản nội địa khó khăn sẽ là rào cản lớn cho tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thép 2023. Trên thực tế, thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu. Hiện nay, số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu.

Thị trường bất động sản nội địa khó khăn sẽ là rào cản lớn cho tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thép 2023

Tăng trưởng diện tích xây dựng tại Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc trong 2023 với mức tăng trưởng khoảng 2,4%, chủ yếu đến từ sự sụt giảm của nhóm xây dựng dự án nhà ở dân dụng vốn chiếm tới 2/3 sản lượng ngành. Theo đó, VCBS dự báo sản lượng thép phục vụ xây dựng dân dụng giảm khoảng 8-9% trong năm nay.

Thị trường xuất khẩu hụt hơi

Bên cạnh sự ảm đạm của thị trường nội địa, sản lượng xuất khẩu thép dự kiến tiếp tục ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế các khu vực Mỹ, EU và Trung Quốc đều ghi nhận suy yếu, đặc biệt là EU chưa cho thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát.

Trên thực tế, xuất khẩu thép xây dựng cho thấy dấu hiệu hụt hơi vào tháng 8.2022 và tụt dốc mạnh trong quý 4.2022 khi nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường chủ lực khu vực ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, EU kéo dài quá trình đình trệ.

Sau năm 2021 nhiều thuận lợi, xuất khẩu tôn mạ trong năm 2022 đã dần thể hiện sự sụt giảm với sản lượng ở mức 2,1 triệu tấn, giảm 38% so với năm trước khi nhu cầu xây dựng tại Mỹ và EU lao dốc.

Năm 2023, VCBS các doanh nghiệp thép sẽ đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường Mỹ, dự kiến tăng trưởng thấp song chống chịu khá tốt với giá nhiên liệu tăng. Ngoài ra, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng chưa thực sự bền vững cũng là trở ngại đối với kênh xuất khẩu thép thời gian tới.

Tại thị trường EU, lạm phát tiếp tục là mối lo hàng đầu khiến nhu cầu thép của khu vực này suy giảm liên tục năm thứ hai liên tiếp. Tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng của châu Âu có thể bị giới hạn trong vài năm do giá năng lượng cao.

Do đó, VCBS không kỳ vọng một sự bật tăng mạnh về xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.

Cơn bĩ cực đã qua?

Theo VCBS, các nhà sản xuất thép lớn phải dừng hoạt động 1 phần trong quý 1.2023. Hòa Phát, Pomina và nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đã đóng lò sản xuất trong quý 4.2022 và mới mở lại 1 phần trong đầu năm nay. Quá trình tái khởi động lò sẽ diễn ra dần dần trong năm 2023, những doanh nghiệp sống sót sẽ vươn lên mạnh mẽ từ 2024.

VCBS cho rằng quá trình tái khởi động lò sẽ diễn ra dần dần trong năm nay, những doanh nghiệp sống sót sẽ vươn lên mạnh mẽ từ 2024

Với ngành thép thép, việc đóng lò giúp các doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn nhờ vào việc cân đối lại dòng tiền hoạt động. Tuy nhiên, VCBS cho rằng kết quả kinh doanh trong quý 1.2023 của ngành thép vẫn sẽ tiếp tục tiêu cực.

Riêng với Tập đoàn Hòa Phát, VCBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể đạt 112.800 tỉ đồng và 9.271 tỉ đồng, tương ứng giảm 19% doanh thu nhưng cải thiện 9% lãi so với năm trước.

Có thể thấy, mức dự phóng lợi nhuận của báo cáo tích cực hơn hẳn so với kế hoạch 2023 mà Hoà Phát công bố với con số lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8.000 tỉ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2022.

Trong khi đó, VCBS dự báo doanh thu Tập đoàn Hoa Sen sẽ giảm gần 29% so với cùng kỳ xuống mức 29.339 tỉ đồng trong niên độ tài chính 2022-2023. Theo đó, kỳ vọng Hoa Sen có thể ghi nhận lợi nhuận ở mức 494 tỉ đồng.

VCBS cho rằng sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU suy yếu trong môi trường lãi suất cao, trong khi thị trường bất động sản nội địa chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục.

Với Thép Nam Kim, lợi nhuận năm 2023 được dự báo đạt 413 tỉ đồng khi doanh thu sụt giảm 15% xuống mức 19.577 tỉ đồng.

Theo VCBS, doanh số xuất khẩu của Nam Kim sẽ chịu nhiều áp lực trong năm này do doanh nghiệp này tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ và đặc biệt là EU – nơi có triển vọng kinh tế không mấy tích cực.

Tuy nhiên, với việc được SMC hỗ trợ phân phối đầu ra, VCBS cho rằng sản lượng tiêu thụ nội địa của Nam Kim có thể duy trì khá ổn định, tuy nhiên sẽ phải đánh đổi bằng biên lợi nhuận.

Bài viết mới