Ở phân khúc căn hộ chung cư, khu vực quanh Hồ Tây đang trở thành điểm nóng mới của thị trường. Nếu như cách đây 1-2 năm số lượng dự án được ra mắt tại đây rất nhỏ giọt so với các điểm nóng Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Đông thì bước sang năm 2017 khu vực này đón làn sóng căn hộ chung cư ồ ạt bung hàng.
Đầu tiên phải kể đến là khu Đoàn ngoại giao với 23 tòa cao ốc chung cư được chia ra 4 tổ hợp chính N01, N02, N03, N04 với quy mô từ 21 đến 45 tầng. Tiếp đó là siêu dự án hơn 180ha Star Lake Hồ Tây của đại gia BĐS đến từ Hàn Quốc Daewoo E&C….
Ngoài ra còn phải kể đến Sunshine Group với 2 dự án với quy mô lớn vừa được ra mắt trong năm 2017 là Sunshine Riverside và Sunshine City. Cả hai dự án này đều nằm trong giai đoạn 2 của khu đô thị Ciputra. Trong đó Sunshine Riverside gồm 3 tòa tháp nằm trong tổng thể gồm trường học quốc tế với tổng vốn đầu tư lên đến 2500 tỷ và dự kiến bàn giao vào quý 4/2018. Còn Sunshine City gồm 100 căn biệt thự thấp tầng và 6 tòa tháp căn hộ dát vàng cùng sân đỗ trực thăng, tổng vốn đầu tư của dự án 5.000 tỷ đồng và sẽ bàn giao vào năm 2019.
Đặc biệt, với nguồn cung gia tăng nhanh chóng nhưng các dự án tại Hồ Tây lại phong phú chủng loại như căn hộ LIMO – căn hộ đa năng với thiết kế diện tích nhỏ tại dự án D’. El Dorado của Tân Hoàng Minh, căn hộ Pentstudio – kết hợp condotel với penhouse tại số 669 Lạc Long Quân, hay căn hộ Hometel – căn hộ khách sạn tại hai dự án Sunshine Riverside và Sunshine City.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến BĐS khu vực Hồ Tây đang trở thành điểm nóng của thị trường chung cư Hà Nội là nhờ cú hích từ hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch, khu vực Hồ Tây nằm ở điểm đầu của Trục Nhật Tân – Nội Bài nơi đây sẽ hình thành siêu đô thị quy mô bậc nhất của Hà Nội. Chưa hết, khu Tây Hồ Tây sẽ trở thành khu trung tâm hành chính của Hà Nội khi các trụ sở các bộ ngành sẽ được di dời và tập trung tại đây. Thêm vào đó, hàng loạt con đường mới mở như đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Phạm Văn Đồng mở rộng… đang thổi sức hút mới vào các dự án khu vực này.
Nếu như ở phân khúc chung cư BĐS khu vực Hồ Tây đang là điểm nóng của thị trường căn hộ thì khu vực Đông Anh, Long Biên, Tây Hà Nội lại nằm trong điểm ngắm của nhà đầu tư ưa thích đất nền. Đầu tiên phải kể đến đất Đông Anh – Long Biên, khu vực này bắt đầu rậm rịch tăng giá từ sau khi thông tin quy hoạch trục Nhật Tân – Nội Bài được chính thức công bố từ năm 2016. Bước sang năm 2017, Hà Nội cho biết sẽ đầu tư 4 cây cầu tỷ đô kết nối giao thông liền mạch với khu trung tâm đã khiến giới đầu tư đổ xô về khu vực này tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tại Đông Anh, theo quan sát giá đất có tăng nhẹ tại một số khu vực như Đông Hội, Đông Trù, Lê Xá, Đông Ngàn…Còn ở Long Biên, hiện các khu đất nằm gần bờ sông Đuống như Gia Thượng, Giang Biên, Tình Quang, Quán Tình nằm bên đường đê vàng, giáp với khu đô thị Vinhomes, cạnh cầu Giang Biên sắp được xây dựng cũng có giá 18 – 20 triệu đồng/m2, có nơi cao trên 35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thực tế giá đất không biến động nhiều và không có chuyện đất ở đất ở đây đột ngột tăng giá như nhiều lời đồn thổi.
Tại khu vực phía Tây, trong khi đất nền dự án giữ giá ổn định thì đất thổ cư, đất dịch vụ đang tăng mạnh tại một số quận ngoại thành như Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Cụ thể, giá đất thổ cư tại một số làng nghề như Hữu Bằng – Thạch Thất đã lên đến hơn 140 triệu đồng/m2 đất mặt đường lớn, giá đất trung tâm mặt đường 32 – Hoài Đức có nơi lên đến 170-180 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực giá đã tăng 2-3 triệu đồng/m2, có nơi tăng 4-5 triệu/m2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với chúng tôi về việc nhà đầu tư BĐS cuối năm nên cẩn trọng điều gì bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills cho hay: “Thực tế cho thấy, khu vực lõi đô thị có xu hướng mở rộng bao gồm cả các khu vực như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà đầu tư đang chờ đợi điều kiện hội tụ đủ hơn nữa về tiện ích sống, trường học, bệnh viện… thì khu vực này mới có thể phát triển sôi động”.