Các chuyên gia nhận định phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung mới từ nay đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam – Bắc.
Vị thế đặc biệt, hút dòng FDI
Bất động sản công nghiệp được dự đoán là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản năm 2023, sôi nổi nhất tại hai đầu Bắc Bộ và Nam Bộ với một số khu vực kinh tế tiêu biểu như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu công nghiệp Phú Nghĩa của tập đoàn Phú Mỹ
Cushman & Wakefield cũng nhận định, nguồn cung đất công nghiệp tại 5 tỉnh thành Đông Nam Bộ tăng đáng kể so với năm ngoái, đặc biệt là trong quý I và quý II/2022. Tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường đạt 27.780 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 88%.
Báo cáo mới nhất của VFS đánh giá nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp hiện duy trì ở mức cao, dòng vốn FDI đạt 17,45 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022, thể hiện sự uy tín của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô tác động.
Lý giải nguyên nhân bất động sản công nghiệp vẫn giữ vững vị thế của mình trong khi thị trường bất động sản đang “vỡ bong bóng”, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong phát triển bất động sản công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng tốt. Đặc biệt, nền chính trị ổn định và phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt giúp ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống KCN, CCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Bộ Xây dựng, ngành công nghiệp vẫn là ngành có mức tăng trưởng tốt và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Một số dự án khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai sẽ góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường trong tương lai.
Thách thức mới
Năm 2023, bất động sản công nghiệp vẫn được nhận định là phân khúc giữ vững vị thế “ngôi sao”, tuy nhiên có thể đối mặt với một số thách thức mới do khan hiếm nguồn cung do những khó khăn trong thủ tục pháp lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng phân khúc bất động sản khu công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung mới từ nay đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam – Bắc. Riêng tại miền Nam, thời gian khan hiếm có thể kéo dài đến năm 2026.
Nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ khan hiếm trong thời gian tới
Sau khi bùng nổ nguồn cung trong 6 tháng đầu năm, thị trường khu công nghiệp (KCN) phía Nam không có dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý III. Tổng diện tích đất trong 9 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ lên 41.950 ha, diện tích cho thuê tăng 8,2% lên 27.950 ha. Thị trường miền Bắc cũng không có KCN mới nào đi vào hoạt động trong quý III vừa qua. 9 tháng đầu năm nay, tổng diện tích đất công nghiệp khu vực này tăng 2,7% lên 16.072 ha, tỷ lệ lấp đầy tính đến cuối quý III tăng 4,7 điểm % lên khoảng 80-82%.
Tại Diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”, PGS.TS Trần Kim Chung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%…
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, quý I-2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Bước sang quý II, quý III-2023, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; các vướng mắc dần được tháo gỡ.