Trước đây, người Hà Nội thường ưu ái các dự án nhà ở tại bờ Tây hơn bờ Đông Hà Nội bởi quan niệm đi qua cầu là ra khỏi thành phố, là đến khu vực ngoại thành kém phát triển. Các chủ đầu tư bất động sản vì vậy cũng tập trung đầu tư vào khu vực này với hơn 50% tổng lượng cung của cả thành phố được Savills ghi nhận đến từ khu vực phía Tây.
Mặt trái của sự phát triển ồ ạt này là một gánh nặng không nhỏ cho hạ tầng giao thông đô thị. Tuy nhiên quan niệm đặc biệt ưu ái bờ Tây đã dần thay đổi khi người mua bắt đầu quan tâm đến các khu vực mới như Long Biên, Hoài Đức, hay Thanh Trì.
Long Biên có diện tích tương đương với tổng diện tích của 5 quận nội thành, với phần lớn diện tích từng là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cao đang dần thay đổi bộ mặt của địa bàn nơi đây với nhiều dự án do các chủ đầu tư có tên tuổi mở ra, quy hoạch hạ tầng và kết nối giao thông đồng bộ kèm theo nhiều tiện ích cao cấp đã thu hút một lượng dân cư đáng kể, trong đó có cả tầng lớp trí thức và thượng lưu, chuyển về khu vực này.
Đến nay chúng ta đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng và trong tương lai dự kiến sẽ có thêm 4 cây cầu nữa kết nối Hà Nội và bờ Đông bao gồm quận Long Biên hay các địa bàn như Đông Anh, Hưng Yên. Giao thông thuận tiện hơn, người dân sinh sống ở khu vực phía Đông nay chỉ mất khoảng 15 – 20 phút để di chuyển đến trung tâm thành phố.
Hạ tầng tiện ích của địa bàn này cũng đã được cải thiện rõ rệt với nhiều trường học chất lượng tốt, nhiều thương hiệu siêu thị quy mô lớn như MegaMall và AeonMall. Long Biên là quận đầu tiên của Hà Nội có sân gôn và dự kiến sẽ còn có các sân golf khác tiếp tục được xây dựng và mở rộng trên địa bàn quận.
Sự phát triển của quận Long Biên có nét tương đồng với những gì đã xảy ra ở quận Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, do kết nối giao thông chưa thuận tiện nên quận Thủ Thiêm không phải là một địa bàn được người mua nhà ưa chuộng, giá nhà ở đây còn ở mức thấp, chỉ 20 – 25 triệu/ m2.
Đến khi hàng loạt các cây cầu, đường hầm kết nối giữa trung tâm quận 1 và quận Thủ Thiêm xuất hiện, thị trường nhà ở TP.HCM đã dần mở lòng hơn với khu vực này. Giờ đây, Thủ Thiêm đã trờ thành một trong những khu vực nóng của TP. HCM với giá nhà cao hơn nhiều so với trước đây, nhiều dự án nhà ở mở ra, thu hút sự quan tâm chú ý của thị trường.
Với những gì đã, đang và dự kiến sẽ xảy ra với phía Đông, nhiều khả năng một kịch bản tương tự sẽ xảy ra với quận Long Biên: đây sẽ là một khu vực đáng lưu tâm của thị trường nhà ở Hà Nội trong năm 2018 và tương lai xa hơn.
Tuy vậy, đối với một quận có diện tích lớn và tốc độ phát triển nhanh như Long Biên, nhà đầu tư và người mua cũng cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định, đề phòng việc làm giá của dự án, cũng có những nguy cơ liên quan đến “bong bóng” giá bất động sản.
Khách hàng nên xem xét đến giá trị cụ thể đến từ vị trí của dự án mức độ phù hợp với mục đích sử dụng/ đầu tư, mức độ hoàn thiện của hạ tầng giao thông xung quanh dự án, những quy hoạch về mở đường, điều chỉnh, những quy hoạch treo từ trước đến giờ trong khu vực.
Tiềm năng của bờ Đông hay quận Long Biên nói chung không đảm bảo giá trị cho tất cả các dự án tại khu vực này; chỉ có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mới giúp khách hàng tránh được những rủi ro tiềm ẩn trong sức nóng của thị trường nhà ở Long Biên và đạt được thành công trong hoạt động đầu tư của mình.