Bình Dương đề xuất tuyến đường sắt kết nối với sân bay Biên Hòa; Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản “bay” trăm tỷ sau kiểm toán; Diễn biến mới về sân bay ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa được duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Hình minh họa
Diễn biến mới về sân bay ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa được duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch
Chiều ngày 9/4, tại buổi họp báo và giao ban báo chí quý I/2024, ông Đỗ Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng đối với Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau. Theo ông Hưng, đến thời điểm này, theo quy hoạch trình Bộ Giao thông vận tải, sân bay Cà Mau được mở rộng khoảng 230ha, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 1.000 hộ.
Ông Hưng cho biết thêm, trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận đo đạc, kiểm đếm toàn bộ hiện trạng về nhà cửa, cây cối, hiện trạng đất đai. Khi có chủ trương phê duyệt là triển khai ngay để đảm bảo theo tiến độ.
UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo UBND thành phố Cà Mau tăng cường vận động, tuyên truyền các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và thống nhất chủ trương thu hồi đất sớm hơn thời gian quy định.
Bình Dương đề xuất tuyến đường sắt kết nối với sân bay Biên Hòa
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản góp ý bổ sung một số nội dung về quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, địa phương này đề nghị bổ sung quy hoạch thêm tuyến đường sắt kết nối với sân bay Biên Hòa.
Tuy nhiên, trong nội dung góp ý chưa làm rõ nội dung hướng tuyến của tuyến đường sắt này. Do đó, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương để làm việc cụ thể về hướng tuyến của tuyến đường sắt được đề nghị bổ sung vào quy hoạch.
Hiện nay, về giao thông kết nối đường bộ, giữa Đồng Nai và Bình Dương đã có các cầu được đầu tư xây dựng gồm cầu Đồng Nai, Hóa An và Thủ Biên. Cùng với đó, cầu Bạch Đằng 2 hiện cũng đang được triển khai xây dựng. Ngoài ra, 2 địa phương cũng đã thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 4 vị trí xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: Hiếu Liêm 2, Tân An – Lạc An, Tân Hiền – Thường Tân và Thạnh Hội 2.
Lộ diện tên tuổi rót gần 5.000 tỷ đồng thực hiện dự án khu đô thị tại Hải Phòng
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương.
Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng có tổng diện tích 64,2ha, với quy mô đầu tư gồm 1.537 căn nhà ở thương mại, liên kế và nhà ở biệt thự (xây dựng phần thô và hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài); 1.698 căn nhà ở xã hội xây dựng dạng chung cư trên khuôn viên 2 khu đất…
Tổng mức đầu tư hơn 4.883 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm. Về nhà đầu tư, DGL Việt Nam thành lập tháng 9.2023 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trụ sở tại Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản “bay” trăm tỷ sau kiểm toán
Một loạt doanh nghiệp Bất động sản, xây dựng công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận giảm hàng trăm tỷ đồng. Một “ông lớn” trong ngành xây dựng là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) cũng báo lỗ thêm sau kiểm toán.Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán chênh lệch so với số liệu Báo cáo tài chính do Công ty tự lập giảm 333 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ thêm trên báo cáo kiểm toán phần lớn đến từ lợi nhuận gộp giảm 36 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 276 tỷ đồng do công ty phải tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Ngoài ra trong phần giải trình, HBC cho biết về khách quan, lợi nhuận giảm 333 tỷ như chúng tôi đã trình bày ở trên là do quan điểm thận trọng của đơn vị kiểm toán đã phản ánh số liệu theo đúng chế độ kiểm toán Việt Nam và HBC thì thể hiện kết quả của báo cáo tài chính trên nguyên tắc tuân thủ chế độ kế toán của Việt Nam nhưng không theo hướng thận trọng đến mức kết quả báo cáo chênh lệch quá xa so với thực tế bởi như thế sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho cổ đông.