Chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng ở Bình Dương; Xây cầu 3.500 tỉ nối Bến Tre với Trà Vinh, mở ra nhiều không gian phát triển mới; Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
Hình minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 175/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về đầu tư, nâng cấp một số đoạn tuyến, nút giao của Vành đai 3 – TP.HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gồm Nút giao Tân Vạn; đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn; Cầu Bình Gởi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý về nguyên tắc sự cần thiết đầu tư, nâng cấp các công trình nêu trên như kiến nghị của Tỉnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND TP.HCM, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Dương và các địa phương liên quan rà soát vốn kết dư của dự án Vành đai 3, đề xuất phương án xử lý (bổ sung vào Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM hoặc triển khai bằng dự án riêng).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024, trong đó làm rõ về nguồn vốn, trình tự thủ tục, thẩm quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa có Tờ trình số 1805/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Trà Vinh, Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2 có điểm đầu tại vị trí điểm đầu Dự án “Xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối tại vị trí điểm cuối Dự án “Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh” thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Tổng chiều dài của Dự án là 5 km, đi qua địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh và huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Trong đó, cầu Cổ Chiên 2 dài 1,837 km, có chiều rộng mặt cầu 22,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; đường dẫn hai đầu cầu có quy mô 4 làn xe cơ giới, tổng chiều dài khoảng 3,163 km (đường dẫn phía Trà Vinh có chiều dài khoảng 1,863km và đường dẫn phía Bến Tre có chiều dài khoảng 1,3 km).
Theo dự thảo đề án, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trước khi sắp xếp là 8 cấp huyện (2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện); 82 ĐVHC cấp xã ( 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã).
Sau sắp xếp thì tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn này sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ thành huyện mới có tên là huyện Long Đất.
Lý do đưa ra tên gọi trên là do Long Đất là tên gọi của đơn vị hành chính có từ tháng 5-1951 khi đó tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn được thành lập (gọi tắt là tỉnh Bà Chợ); được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ thành huyện Long Điền – Đất Đỏ (gọi tắt là Long Đất).
Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập 2 huyện trong lịch sử trước đây, đến ngày 9/12/2003 Chính phủ ban hành Nghị định tách huyện Long Đất thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Vì vậy, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử hình thành, kết cấu cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của địa phương.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa cho biết, cầu Trần Hưng Đạo được thi công trong giai đoạn từ năm 2025 – 2027. Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.
Mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp là 40,66m, tại trụ cầu là 47,76m. Cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, hai làn xe đạp và vỉa hè cho người đi bộ. Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu.