Bất động sản 24h: Cần Giờ được chuyển đổi hơn 190ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp

Một ngân hàng tung gói 3.000 tỷ cho vay với lãi suất chỉ từ 4,5%; Huyện đảo duy nhất của TP.HCM, nơi có “siêu” dự án lấn biển, cảng trung chuyển quốc tế sẽ được chuyển đổi 190ha đất sang phi nông nghiệp; Giá chung cư tăng nóng, nhà đầu tư “quay xe” tìm nhà đất ngõ sâu… là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

TPBank tiếp tục dành gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm sâu, dành riêng cho toàn bộ khách hàng mới vay kinh doanh lần đầu tại TPBank, từ nay đến 30/9/2024, hoặc đến khi hết hạn mức của chương trình. Theo đó, lãi suất cho vay kinh doanh tại TPBank hấp dẫn hơn bao giờ hết khi giảm sâu xuống chỉ từ 4,5%, tương đương giảm 1,8% – 2,15% lãi suất so với đầu năm 2024.

Cụ thể, với khách hàng cá nhân lần đầu vay kinh doanh tại TPBank, ngân hàng hỗ trợ lãi suất ưu đãi chỉ 4,5% cho thời hạn vay 2 tháng. Với thời hạn vay cao nhất là 12 tháng, lãi suất chỉ dừng ở mức 7,2%. Khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) lần đầu vay kinh doanh tại TPBank cũng được hưởng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn không kém khi lãi suất với thời hạn vay 2 tháng chỉ 4,8% và lãi suất với thời hạn vay 12 tháng chỉ 7,5%.

Ngoài gói ưu đãi lãi suất trên, từ tháng 3 vừa qua, với tất cả các khách hàng vay kinh doanh, TPBank áp dụng gói ưu đãi vay Tài – Lộc – Phát, với mức lãi suất giảm tới 1,15% – 1,88% so với đầu năm 2024.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 tại huyện Cần Giờ. Theo đó, về chuyển mục đích sử dụng đất, trong năm nay huyện Cần Giờ có hơn 190 ha đất nông nghiệp đăng ký chuyển sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất trồng lúa gần 9 ha, đất trồng cây hàng năm khác là 48 ha, đất trồng cây lâu năm là 83 ha, đất nuôi trồng thủy sản 48 ha, đất làm muối 2 ha.

Đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở là 0,04 ha. Trên địa bàn huyện Cần Giờ không có diện tích đất chưa sử dụng đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Trong 7 địa phương có đất chuyển đổi, nhiều nhất là thị trấn Cần Thạnh (43,38 ha), tiếp đến xã An Thới Đông (34,80 ha), Lý Nhơn (33,42 ha), Tam Thôn Hiệp (31,31 ha), Bình Khánh (27,33 ha), Long Hòa (20,25 ha) và ít nhất là xã đảo Thạnh An (0,22 ha).

Cũng theo kế hoạch được duyệt, năm nay, huyện Cần Giờ thu hồi 36,4 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng cây lâu năm là 20ha, đất rừng phòng hộ 12,7ha. Đất phi nông nghiệp bị thu hồi 18,4ha. Trong đó, đất phát triển hạ tầng 5,3ha; đất ở nông thôn 0,68ha; đất sông, kênh, rạch là hơn 12ha.

Theo Sở GTVT, dự án cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ hiện đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Nếu được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024, hai cây cầu này sẽ khởi công dịp 30/4/2025.

Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 4 có điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7. Điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4 (TP Thủ Đức).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.030 tỉ đồng (bao gồm lãi vay) được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó vốn ngân sách góp khoảng 49,5%, còn lại là vốn của nhà đầu tư.

Công trình dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án 18 năm 8 tháng.

Việc giá chung cư tăng nóng ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã khiến cho một nhóm khách hàng “quay xe” tìm mua nhà đất. Điều này thúc đẩy phân khúc nhà đất thổ cư trong ngõ tại trung tâm Thủ đô thiết lập mặt bằng giá mới.

VARS nhận thấy thị trường bất động sản nhà ở riêng lẻ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân – đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay.

Lãnh đạo VARS cho rằng, giá nhà trong khu vực nội đô sẽ khó giảm. Người dân có nhu cầu ở thực, nên cân nhắc tới việc xuống tiền mua nhà nếu tìm thấy sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, nghĩa là không vay quá nhiều. Bởi lịch sử tăng giá cho thấy, giống như phân khúc căn hộ, giá nhà đất thổ cư Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng tăng tương tự vào cuối năm 2021, đến giữa năm 2022, khi thị trường khó khăn, giá loại hình này có giảm nhưng không “thấm” gì so với mức tăng, đến nay lại tiếp tục tăng trở lại. Bởi đây là loại hình luôn duy trì mức độ quan tâm khá ổn định kể cả trong giai đoạn ảm đạm.

Bên cạnh nhà riêng lẻ diện tích nhỏ, các tòa nhà chung cư trong ngõ cũng đang “nóng” trở lại khi lượng người thuê và tìm mua căn hộ chung cư mini dần phục hồi. Cùng với nhà ở riêng lẻ, các “chung cư” trong con ngõ hẹp này đang gây sức ép quá tải đô thị, hạ tầng và tiện ích chung, cùng nhiều rủi ro liên quan đến cháy, nổ. Khác với việc phát triển nhà ở thương mại, phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, các “chung cư” này không cần xây dựng các hạ tầng dùng chung và chất lượng xây dựng chỉ ở mức tối thiểu, đất dành cho giao thông rất ít và gần như không có đất dành cho cây xanh.

Ngày 15/4, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua nghị quyết về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch sang mục đích xây cầu Phước An.

Cụ thể, HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua chuyển đổi gần 3ha rừng trồng phòng hộ thuộc một phần của 17 lô, 1 khoảnh, 1 tiểu khu do Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) quản lý. Mục đích chuyển đổi để triển khai dự án xây dựng cầu Phước An.

Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023. Dự án có chiều dài 4,3km, trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài hơn 3,5km, còn lại là đường dẫn. Dự án có tổng mức đầu tư 4.879 tỉ đồng.

Dự án cầu Phước An khi hoàn thành sẽ kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như: Bến Lức-Long Thành và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Bài viết mới